Thi tay nghề quốc tế: Còn yếu kỹ năng mềm

Thứ hai - 04/12/2017 15:50
Tay nghề của học sinh, sinh viên Việt Nam không thua kém so với thế giới. Tuy nhiên, về các kỹ năng ứng xử tình huống, ngoại ngữ lại là rào cản lớn khiến tay nghề các em dù được đánh giá cao nhưng chẳng mấy khi nằm trong bảng vàng thành tích.

Tốt chuyên môn, yếu ngoại ngữ

Trường TC nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương nhiều năm liền có học sinh tham dự kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới, và cũng là cái nôi đào tạo chuyên gia nghề. Bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ: “Việc chọn thí sinh để tham dự các kỳ thi tay nghề trong và ngoài nước là không hề đơn giản. Kinh nghiệm từ các cuộc thi nghề tại trường hàng năm, đây là cơ hội để các em cọ sát, làm quen với các dạng đề thi, qua đó chọn lọc những em có năng lực chuyên môn, kỹ năng thực hành và đặc biệt là có tâm lý vững vàng”.

Bà Thủy cho biết thêm, mặc dù đã có một thời gian dài tập huấn cùng chuyên gia nghề của khu vực và quốc tế tại trường cũng như ở các tập đoàn lớn, song yếu tố tâm lý của thí sinh vẫn còn là điều đáng ngại, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến điểm số của bài thi.

Tổ chức kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH),  kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ 10 năm 2018 dự kiến được tổ chức từ ngày 13 đến 20-5 tại Hà Nội. Mục đích của kỳ thi nhằm tôn vinh lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao, tạo phong trào thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng tại các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Những nghề tổ chức thi dự kiến là các nghề Việt Nam sẽ tham dự tại kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 năm 2018 ở Thái Lan, gồm 26 nghề chính thức và 2 nghề trình diễn cùng một số nghề khác trên cơ sở đề xuất của các bộ/ngành/địa phương. Đề thi chủ yếu được xây dựng trên cơ sở đề thi tay nghề ASEAN năm 2016 và đề thi tay nghề thế giới năm 2017. Đối tượng dự thi là học sinh - sinh viên đang học tập tại trường ĐH, CĐ, TCCN và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác, có độ tuổi không quá 22 (đến năm tổ chức). Những thí sinh đoạt giải cao sẽ được tuyển chọn tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 và kỳ thi thế giới lần thứ 45 tại Kazan (Liên bang Nga) năm 2019.

PV

Trong khi đó, đại diện một trường trung cấp đào tạo về du lịch và khách sạn cho biết, hầu như lần nào học sinh của trường tham gia kỳ thi tay nghề thế giới nghề nấu ăn cũng bị… đứt tay. Nguyên nhân, theo vị đại diện này là: Thí sinh bị choáng trước một cuộc thi quá lớn, với Ban giám khảo toàn là người nước ngoài… Vì vậy, việc tuyển chọn thí sinh dự thi để đào tạo càng sớm càng tốt, là bước chuẩn bị cơ bản, nhưng để giải quyết vấn đề tâm lý đối với thí sinh đi thi thì cần phải có nhiều năm cọ sát và thử thách.

Ông Bùi Đình Tiền (chuyên gia nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) khẳng định: “Tay nghề của học sinh, sinh viên Việt Nam không thua kém bạn bè trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, xét về yếu tố tâm lý, sự trải nghiệm cũng như các kỹ năng cơ bản thì đây là những gì mà chúng ta cần sớm khắc phục. Những hạn chế này quyết định đến kết quả thi của cá nhân, kéo theo kết quả của toàn đoàn. Trình độ ngoại ngữ của người đi thi cũng là một cản trở lớn, bởi ngay từ đầu tập huấn cùng chuyên gia, hạn chế ngoại ngữ là rào cản để tiếp cận tài liệu, đề thi, đặc biệt là không có cơ hội để được chia sẻ kinh nghiệm thực tế nhiều hơn nữa”.

Em Nguyễn Bá Phước (sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, thí sinh đoạt huy chương đồng nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin tại kỳ thi tay nghề thế giới năm 2017) chia sẻ: “Ngoại ngữ kém là một bất lợi, đơn giản nhất là trong giao tiếp, mọi thứ phải nhờ đến thông dịch viên. Khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh cũng là một trong những yếu tố để thí sinh tạo thiện cảm đối với Ban giám khảo”.

Tạo môi trường thực hành áp lực cao

Ông Phạm Phú Thọ (chuyên gia nghề cơ điện tử, trưởng thành từ các kỳ thi tay nghề quốc gia, khu vực và quốc tế) thừa nhận học sinh, sinh viên của Việt Nam còn lúng túng trước những câu hỏi tình huống mà Ban giám khảo đưa ra. Qua thực tế, yếu tố tâm lý cũng đã dần cải thiện, thay vào đó là sự tự tin, dày dạn ở thí sinh. Để trang bị tốt cho các kỳ thi tay nghề thời gian tới, ông Thọ đề xuất cần có các chương trình huấn luyện sát với chương trình và đề thi tại các doanh nghiệp, tập đoàn có đầy đủ các dây chuyền máy móc hiện đại. Hơn nữa, bản thân người được huấn luyện cũng phải xác định rằng mình không chỉ đại diện cho trường mà còn là đại diện cho quốc gia.

Đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 năm 2017 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất

PGS.TS Cao Văn Sâm (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐ-TB&XH, Trưởng đoàn Việt Nam dự thi tay nghề thế giới năm 2017 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) đúc kết: “Bản lĩnh và ngoại ngữ của học sinh, sinh viên trên thế giới hơn học sinh, sinh viên của Việt Nam là điều không thể bàn cải. Bằng chứng là qua nhiều năm, học sinh, sinh viên Việt Nam thua kém ở kỹ năng xử lý tình huống, diễn đạt bài thi”.

Trước thực tế này, ông Sâm yêu cầu các trường cần tăng cường tập huấn, đào tạo, tạo môi trường tốt nhất cho học sinh, sinh viên có cơ hội giao lưu, học hỏi và đặc biệt là làm quen với môi trường học tập cũng như thực hành với áp lực cao. Đồng thời liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để đưa thí sinh đi huấn luyện.

T.Anh
(Theo Báo Giáo dục TP. Hồ Chí Minh)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
--> <

Tư vấn 24/70962108879
zalo-icon