Đậu đại học lại đi... học nghề

Thứ tư - 20/09/2017 09:23

Nhiều bạn trẻ đã chuyển hướng sang học nghề sau khi đậu đại học để tìm cho mình một nghề ổn định vào đời.

 


Đậu đại học lại đi... học nghề - Ảnh 1.

K Cơ (phải) và K Khánh đăng ký nhập học trường nghề - Ảnh: TRẦN MAI

Thay vì chọn trở thành thầy, họ lại chọn làm thợ.

Bốn chàng trai từ bỏ đại học

Buổi nhập học tại Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất (Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) có bốn chàng trai đến từ tỉnh Đắk Nông, vốn đã đậu đại học: Y Chuẩn (đậu ĐH Quy Nhơn), K Cơ (đậu ĐH Văn hóa TP.HCM), K Dương (đậu ĐH Quy Nhơn), K Khánh (đậu ĐH Kinh tế TP.HCM). 

Thay vì đến các trường ĐH làm thủ tục nhập học, họ lại tìm đến trường cao đẳng đăng ký học nghề.

Cả bốn sẽ theo học chương trình đào tạo nghề chất lượng cao của ngành cơ khí ôtô, và sẽ trở thành người thợ lành nghề sau ba năm theo học ở Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất. 

Lý giải cho việc rẽ ngang bất ngờ này, bỏ luôn một thời gian dài đèn sách và nỗ lực, Y Chuẩn bảo: "Sau khi đậu ĐH, em thấy ở làng có một số anh chị học xong ĐH lại không có việc làm, đi làm thuê tại mấy rẫy cà phê. 

Trong khi đó, xe cơ giới trên em rất nhiều, đang rất cần người làm nhưng ít người có tay nghề, thành ra chả ai được nhận vào làm cả".

Còn K Khánh nhà ở ngay trung tâm thị xã Gia Nghĩa, kinh tế gia đình khá giả. Ban đầu Khánh dự định học xong ĐH sẽ xin vào một cơ quan nhà nước nào đó để làm. 

Nhưng khi cầm giấy báo trúng tuyển, Khánh lại nghĩ học xong ra trường mỗi tháng chỉ kiếm được vài triệu đồng, không đủ sống. Thế là Khánh lên mạng tìm hiểu, thấy ngành cơ khí ôtô chất lượng cao rất có tương lai nên đăng ký học. 

"Tôi tính sau khi học xong sẽ đầu quân cho Công ty ôtô Trường Hải một thời gian. Khi lành nghề hơn sẽ về nhà mở xưởng sửa chữa ôtô" - Khánh nói.

Với K Cơ và K Dương, hai chàng trai từ bỏ ĐH vì: học ĐH chưa chắc có việc làm, nhưng học cao đẳng nghề lại được cam kết việc làm, mức lương từ 6-7 triệu đồng sau khi ra trường và còn tăng theo thời gian. 

"Gia đình tụi em không khá giả gì. Nếu đi học ĐH, chi phí lớn, cả nhà không chu cấp nổi. Nếu vay tiền để học thì sau khi ra trường tụi em cũng không thể trả nổi với mức lương nhà nước còi cọc. 

Học nghề, ra trường có việc ngay, còn được trả lại học phí ba năm. Có quá nhiều cơ hội hấp dẫn nên tụi em chọn cao đẳng" - Chuẩn nói.

Nghỉ ngang đại học vào trường nghề

Tình trạng thiếu thợ, thừa thầy hiện đang là động lực để nhiều bạn sinh viên từ bỏ ĐH chọn học nghề. Thậm chí, có sinh viên đã học ĐH hai năm vẫn nghỉ để học trở thành thợ. 

Anh bạn Lê Huy Tín (25 tuổi) sau khi học ĐH Kiến trúc Đà Nẵng được một năm thì xin nghỉ học, đi học nghề. Tín đăng ký ngành cơ khí ôtô chất lượng cao.

Tín chia sẻ: "Khi bạn bè ra trường đi làm, tôi mới bước vào giảng đường sau nhiều năm đi làm. Nhưng rồi khi bước vào trường, thấy bạn bè chật vật xin việc, tôi nhớ lại khoảng thời gian đi làm thợ cơ khí ở TP.HCM - lương cũng 5 triệu đồng/tháng, dù tay nghề yếu. 

Thế là tôi quyết tâm từ bỏ ĐH để làm lại ở tuổi 25. Với kinh nghiệm nghề nghiệp cơ bản, tôi muốn có thêm kiến thức tại Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất". 

Tín còn thổ lộ thêm về giấc mơ của mình: vững nghề rồi sẽ đi Nhật làm cho Hãng Nissan. "Khi ra trường, chắc chắn tôi sẽ sang Nhật làm việc. Tôi đã tham khảo một số anh chị từng học nghề đang làm bên Nhật, công việc rất ổn định, thu nhập lại cao. 

Một số anh làm giỏi, sau khi hết hợp đồng được giữ lại làm; số trở về VN đều có công việc tốt, lương cũng hơn 10 triệu đồng/tháng" - Tín tâm sự.

Còn với Nguyễn Thị Hoàn (Gia Lai), cô gái đậu ĐH Quy Nhơn ngành công tác xã hội, hiện đang theo học Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất ngành chế biến thực phẩm, cũng có ước mơ ra nước ngoài làm việc. 

Khi đứng giữa hai lựa chọn - học ĐH và học nghề, Hoàn đã tham khảo rất kỹ lưỡng cả hai hướng này rồi mới quyết định. Cô tìm hiểu thông tin về ngành công tác xã hội, rồi xuống tận Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất để xem xét.

Cuối cùng, Hoàn chọn học nghề, sau khi xem một loạt thông tin tuyển dụng cụ thể từng vị trí công việc của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, nước giải khát "đặt hàng" trường. 

Trong đó, Hoàn chú ý nhất là thông tin hơn 300 học viên đang được một đối tác Nhật cần tuyển dụng trong ngành chế biến thực phẩm. "Đó thật sự là một cơ hội lớn đối với tôi. Chỉ cần cố gắng học tốt thì sẽ có cơ hội làm việc ở Nhật" - Hoàn nói.

Doanh nghiệp "đặt hàng", trường không đáp ứng hết

TS Nguyễn Hồng Tây, hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất, cho biết: "Hiện trường không đáp ứng kịp nguồn lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp. Nhiều đơn vị đã "đặt hàng" với mức lương cao cho nhiều ngành nghề, nhưng trường khó lòng đáp ứng hết.

 

Khóa tốt nghiệp vừa rồi, tất cả học viên của trường đã có việc làm. Trong đó, hơn 150 em được chuyển ra Hà Nội đào tạo ngoại ngữ sáu tháng, sau khi hết khóa học này sẽ đi Nhật làm việc".

TRẦN MAI
(Theo Tuổi trẻ)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
--> <

Tư vấn 24/70962108879
zalo-icon