TRANG THÔNG TIN TUYỂN SINH

http://tuyensinh.tdc.edu.vn


Năm điều ảnh hưởng xấu đến tương lai của trẻ

Cha mẹ coi trọng STEM hơn khối ngành xã hội hay chú trọng trường đại học danh tiếng có thể giảm cơ hội thành công của con trong tương lai.

Crystal Lim-Lange, sống tại Singapore, là CEO của Công ty giáo dục Forest Wolf, đồng tác giả cuốn Deep Human: Practical Superskills for a Future of Success (Kỹ năng siêu thực tế cho thành công trong tương lai). Ông chia sẻ năm sai lầm phổ biến của phụ huynh ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của con.

1. Coi trọng STEM hơn khối ngành xã hội

Các chuyên gia đánh giá nhu cầu nhân lực trong các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) sẽ tiếp tục tăng cao trong tương lai. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng trong các lĩnh vực này đang mở rộng tìm kiếm nhân tài đến từ những ngành học khác, đặc biệt là khối xã hội.

Một xu hướng gây bất ngờ mà tôi theo dõi trong thời gian qua là các công ty STEM truyền thống đang cố gắng tạo sự đa dạng hóa trong môi trường làm việc và tuyển dụng sinh viên không học STEM. Chẳng hạn công ty dược phẩm đang tìm kiếm ứng viên học ngành Nhân chủng học hoặc Khoa học xã hội giúp họ tập trung kinh doanh, truyền thông. Trong khi những công ty về công nghệ tuyển sinh viên khối ngành Nghệ thuật để tăng cường sự sáng tạo, đổi mới.

Một kỹ sư cao cấp làm việc tại công ty công nghệ hàng đầu Singapore từng chia sẻ với tôi: "Khi tôi thuê 100 sinh viên ngành Khoa học máy tính, tôi thường chỉ nhận một câu trả lời cho một vấn đề vì họ được đào tạo theo những cách giống nhau. Nhưng khi tôi thuê 10 sinh viên ngành Khoa học xã hội, tôi có 10 quan điểm hoàn toàn mới".

Diana Britt, người quản lý dịch vụ Google Cloud Search của tập đoàn Google tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiết lộ hầu hết mọi người nghĩ nhân viên của Google là dân kỹ thuật. Tuy nhiên, họ được đào tạo dựa trên tư tưởng "hợp nhất bộ óc kỹ sư và khả năng sáng tạo để tạo thành nhân viên tốt nhất".

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình các kỹ năng việc làm giá trị nhất trong tương lai có liên quan đến năng lực, cảm xúc, những điều thuộc về con người mà không thể bị máy móc thay thế. Muốn làm được điều đó, sinh viên cần trau dồi kỹ năng mềm như khả năng sáng tạo, sự đồng cảm và tư duy cầu tiến, kết hợp học hỏi nhiều kỹ năng, chuyên ngành khác nhau thay vì chỉ tập trung vào một chuyên môn nhất định.

2. Coi trọng trường đại học danh tiếng

Sự thật đằng sau lý do mọi người sẵn sàng chi rất nhiều tiền để thu về tấm bằng đại học là bởi trong quá khứ, mảnh giấy này thông báo rằng "Hãy nhìn tôi đây, tôi thông minh và tài năng". Ngày nay, hơn một nửa người dân Singapore đều có bằng đại học. Vậy nên mảnh giấy này không thể biến con bạn xuất chúng hơn hàng nghìn người khác cũng sở hữu bằng cấp tương tự.

Hãy nhìn sang các xu hướng trên thế giới, Apple, IBM và Google đã loại bỏ yêu cầu ứng viên phải có bằng đại học trong khi Ginni Rometty, CEO của tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM cho rằng đào tạo nghề và kinh nghiệm làm việc phù hợp với ngành công nghệ hơn bốn năm học truyền thống.

Nhà tuyển dụng vẫn nhìn vào bằng cấp như một trong nhiều công cụ đánh giá tài năng của ứng viên, nhưng trong bối cảnh hiện nay họ không chỉ muốn biết bạn học ở đâu mà còn cần kinh nghiệm, kỹ năng sống đã tích luỹ. Ngay cả tốt nghiệp cùng một trường đại học, sinh viên cũng tạo ra những trải nghiệm khác nhau tùy thuộc vào nhận thức và hành động của họ.

Vì vậy, phụ huynh nên khuyến khích con tập trung những khóa học thực sự quan tâm và phát huy tài năng của mình. Thay vì chú ý đến danh tiếng trường đại học, hãy tìm hiểu về môi trường, chất lượng giảng dạy của ngành dự kiến theo học để tìm kiếm ngôi trường phù hợp nhất.

Sinh viên trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Unsplash/Vasily Koloda.

Sinh viên trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Unsplash/Vasily Koloda.

3. Quan tâm mức lương khởi điểm

Trong ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học, phụ huynh thường xuyên hỏi tôi về mức lương khởi điểm của các ngành học. Thực tế, lương khởi điểm là con số chung chung và không đảm bảo thành công lâu dài cho tương lai sinh viên. Nhiều sinh viên chuyên ngành Thiết kế khởi điểm với mức lương rất thấp, nhưng sau đó quay về trường thăm thầy cô trong vai trò doanh nhân trẻ, triệu phú trẻ nhờ tạo dựng công ty riêng.

Thời đại hiện nay, chúng ta thực sự cần tư duy kinh doanh nhiều hơn, tập trung vào giáo dục và ít coi trọng điểm số. Để tiếp tục thành công trong sự nghiệp, ngay cả khi bạn không có ý định trở thành doanh nhân, tôi tin chắc mỗi người đều phải có tư duy kinh doanh. Chẳng hạn, nhiều học giả thành công nhờ biết cách bán ý tưởng của họ và đánh giá lợi nhuận thu về như một doanh nhân thực thụ.

Do đó, tôi thường khuyến khích sinh viên dành thời gian phát triển tư duy kinh doanh, thử thực hiện dự án liên quan đến kinh doanh hoặc đầu tư.

4. So sánh con cái

Rất nhiều cha mẹ có thói quen so sánh con mình với những người khác, thậm chí với bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, mỗi người đều có sự phát triển, thời điểm thành công khác nhau. Giống như nhà bác học Albert Einstein từng nói: "Mỗi người đều là thiên tài. Nhưng nếu anh đánh giá con bằng khả năng trèo cây thì cả đời nó sẽ tin rằng mình là đồ ngu ngốc".

So sánh gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và hành vi của trẻ. Về mặt tâm lý, các em sẽ cảm thấy xấu hổ vì thua kém bạn bè hoặc tự ti vì mình kém cỏi. Về mặt hành vi, các em sẽ nỗ lực đạt được những điều bố mẹ muốn, thay vì những điều các em yêu thích hoặc nảy sinh phản ứng chống đối để thể hiện bản thân.

Tôi từng thực hiện một cuộc khảo sát dành cho 100 nhà lãnh đạo trẻ. Khi được hỏi "Bạn muốn gì?", ban đầu họ đều trả lời chung chung như muốn tiền, muốn hạnh phúc, muốn giàu có. Nhưng khi tôi lặp lại các câu hỏi và yêu cầu họ suy nghĩ sâu hơn, rất nhiều người đã nói: "Tôi muốn bố mẹ tự hào về tôi".

Đây là ví dụ điển hình của khái niệm động lực bên ngoài, nghĩa là chúng ta cố gắng đạt được một điều gì đó trong cuộc sống không phải cho chúng ta mà có thể vì muốn đập tan định kiến hoặc kỳ vọng của mọi người xung quanh. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng động lực bên ngoài không có hiệu quả trong khi động lực nội tại có thể thúc đẩy con người tiến xa hơn họ tưởng rất nhiều.

5. Bố mẹ không bao giờ mắc lỗi

Bố mẹ luôn muốn làm tấm gương tốt cho con nhưng nó không đồng nghĩa với việc họ tự cho mình là hoàn hảo hoặc chỉ cho con thấy những mặt tốt của họ. Chẳng hạn, nhiều phụ huynh tự hào rằng không bao giờ tranh cãi trước mặt con nhưng thực tế việc tranh luận không phải điều xấu.

Việc phụ huynh cãi nhau gay gắt, thậm chí chửi bới nhau trước mặt trẻ là không nên. Tuy nhiên, nếu vợ chồng tranh luận có tính xây dựng, trẻ sẽ học được nhiều điều như kỹ năng thuyết phục, lập luận, bảo vệ quan điểm cá nhân hoặc thái độ lắng nghe, tiếp thu ý kiến trái chiều. Nếu một trong hai mắc sai lầm, đừng ngại xin lỗi đối phương trước mặt con vì đây có thể là cơ hội để dạy trẻ chấp nhận sự khác biệt.

Khi con đủ lớn, phụ huynh có thể chia sẻ những khó khăn gặp phải trong công việc, cách vượt qua trở ngại hoặc những sai lầm nhớ đời. Trên hết, thông qua những câu chuyện này, bạn dạy con rằng "không cần hoàn hảo để được yêu thương và không ai thành công nếu chưa từng phạm sai lầm".

Tú Anh (Theo CNA)
(Vnexpress.net)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
--> <

Tư vấn 24/70962108879
zalo-icon