Không phải cứ mở Google Meet và Zoom lên thì được gọi là dạy trực tuyến
- Thứ ba - 23/11/2021 08:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những yêu cầu mà người thầy cần phải đáp ứng khi dạy trực tuyến cao hơn rất nhiều so với dạy trực tiếp, chính là chia sẻ của thạc sĩ Nguyễn Huy Hoàng, giảng viên khoa Công nghệ thông tin Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức sau khi giành giải nhì cuộc thi về giảng dạy (Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp), do Tổng cục Giáo duc nghề nghiệp tổ chức mới đây.
Mặc dù chưa đạt giải nhất nhưng việc trăn trở làm sao để các tiết học trực tuyến đạt chất lượng, truyền được cảm hứng cho sinh viên chính là điều khiến thạc sĩ Huy Hoàng gây được ấn tượng nơi ban giám khảo.
Thạc sĩ Nguyễn Huy Hoàng tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
NVCC |
Bài giảng từ thực tiễn đang diễn ra ngoài đời thực
Là một trong hơn 400 giảng viên, giáo viên tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp vào giữa tháng 11 vừa qua, thạc sĩ Nguyễn Huy Hoàng đã vượt qua nhiều đồng nghiệp để giành giải nhì với bài giảng về kiến thức “biểu thức chính quy” thuộc ngành công nghệ thông tin.
Điều đặc biệt là hội giảng lần này được tổ chức trực tuyến do dịch Covid-19, nên bài giảng được thiết kế khác hẳn với một bài giảng trực tiếp thông thường. Thạc sĩ Huy Hoàng cho biết: “Thông qua bài giảng này, tôi muốn truyền tải kiến thức một cách sinh động, thực tiễn và có tính quốc tế. Tất cả nội dung sử dụng, từ ví dụ, bài tập cho đến sản phẩm cuối cùng của bài học, đều được lấy từ thực tiễn đang diễn ra ngoài đời thực để giúp sinh viên học xong có thể ứng dụng ngay vào công việc thực tế”.
Trong ngành công nghệ thông tin thì tiếng Anh gần như là yêu cầu bắt buộc. Ngoài ra, tất cả các thuật ngữ chuyên ngành, thạc sĩ Hoàng đều giữ lại thuật ngữ gốc bằng tiếng Anh và cố gắng sử dụng thuật ngữ gốc càng nhiều càng tốt để sinh viên có thể làm quen, tránh bỡ ngỡ khi làm việc sau này. “Bên cạnh đó, tôi cũng hướng dẫn, áp dụng và khuyến khích sinh viên rèn luyện các tiêu chuẩn về lập trình mà cộng đồng trên thế giới đang dùng để sau này, sinh viên có thể bắt đầu làm việc chuyên nghiệp trong các môi trường quốc tế”, thạc sĩ Hoàng thông tin thêm.
Thạc sĩ Hoàng cho rằng dạy trực tuyến cực hơn rất nhiều so với dạy trực tiếp H.N Được biết, thạc sĩ Hoàng tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, lại từng có thời gian làm việc cho một doanh nghiệp Úc trước khi trở thành giảng viên trường nghề. Mới đây, giảng viên này cũng được nhà trường cử tham gia các khóa bồi dưỡng về dạy học trực tuyến. Chính vì thế, Huy Hoàng có những lợi thế về kỹ năng thực tế để giúp cho bài giảng của mình mới mẻ, đầy tính thực tiễn, đồng thời phương pháp truyền đạt kiến thức thông qua hình thức trực tuyến cũng đạt hiệu quả cao hơn. Dạy trực tuyến đòi hỏi người thầy sáng tạo hơn, vất vả hơn Chia sẻ về việc dạy và học trực tuyến, thạc sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho rằng người thầy cần chấp nhận hình thức dạy trực tuyến như một điều tất yếu trong xu thế phát triển của xã hội. Từ đó, nỗ lực cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực của bản thân. Kế đến là tìm tòi, sáng tạo ra các phương pháp truyền đạt trực tuyến phù hợp đến với người học. “Chúng ta có thể sử dụng blended classroom (lớp học hỗn hợp) và flipped classroom (lớp học đảo ngược) – là các phương pháp phù hợp, để dạy trực tuyến hoặc trực tuyến kết hợp trực tiếp. Khi đó, vai trò của người thầy sẽ thay đổi từ là người truyền dạy kiến thức sang là người hướng dẫn, dẫn dắt người học đi khai phá kiến thức để từ đó, lấy người học làm trung tâm trong quá trình học. Để làm được điều này, người thầy phải giành nhiều thời gian hơn, làm nhiều việc hơn, cực hơn so với dạy trực tiếp. Nếu như dạy trực tiếp chỉ soạn giáo án, giáo trình, tài liệu thì bây giờ, khi dạy kết hợp trực tuyến, người thầy phải chuẩn bị thêm nhiều nguồn tư liệu học tập khác như quay video bài giảng, thiết kế tương tác trên video bài giảng, thiết kế các công cụ đánh giá hoạt động học trực tuyến…”, thạc sĩ Hoàng nhìn nhận. Vì thế, theo thạc sĩ Hoàng, không phải cứ đăng tài liệu lên mạng hay cứ mở Google Meet hay Zoom lên và dạy như khi dạy trên giảng đường, thì được gọi là dạy trực tuyến. “Người thầy phải thay đổi nhận thức trước tiên, luôn tìm tòi sáng tạo và chịu khó học hỏi để có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy học của mình. Đây là một yêu cầu tất yếu trong thời đại số hoá ngày nay”, thạc sĩ Hoàng chia sẻ. Hội giảng do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức từ ngày 13-17.11, với sự tham gia trình giảng của hơn 400 giáo viên được tuyển chọn ở nhiều ngành nghề khác nhau, đại diện cho 61 đoàn trên cả nước. Kết quả, có 20 giải nhất, 40 giải nhì và 80 giải ba. Mỹ Quyên (Theo Thanh niên) |