TRANG THÔNG TIN TUYỂN SINH

http://tuyensinh.tdc.edu.vn


Rớt Lớp 10 Công Lập: Học Sinh Đi Đâu?

 Phân luồng sau Trung học cơ sở là hướng đi không chỉ của Việt Nam mà còn là xu hướng chung trên thế giới.

Từ việc tiếp xúc, định hướng nghề nghiệp sớm, người học tiết kiệm được thời gian, chi phí học tập và quan trọng hơn là có thêm cơ hội để rèn luyện kỹ năng tay nghề. Mặc dù hiện công tác phân luồng vẫn chưa được như mong đợi, nhưng các mô hình trường học cũng đã nhận ra sự cần thiết của công tác định hướng nghề nghiệp để có những giải pháp thích hợp. 

Mời quý vị theo dõi tại đây

Tại trường Trung học cơ sở Phong Phú, Huyện Bình Chánh, địa bàn có mặt bằng dân cư phần lớn là dân nhập cư, và người lao động phổ thông, chia sẻ về công tác phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở, ông Võ Thanh Nhàn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong quá trình xét tốt nghiệp lớp 9 và tư vấn tuyển sinh lớp 10, nhà trường thường lồng ghép, giới thiệu các ngành nghề và tiềm năng của các trường nghề đến với phụ huynh học sinh. Công tác này lại được nhà trường và giáo viên chủ nhiệm khối 9 nhắc lại sau khi có kết quả thi tuyển sinh lớp 10, với những trường hợp không trúng tuyển các nguyện vọng: "Suy nghĩ của phụ huynh phần lớn muốn cho con em đi học ở phổ thông là chính, vẫn muốn con em thi tuyển lớp 10 còn chuyện đậu rớt sẽ tính sau. Sau khi con không đạt, phụ huynh cũng tính đến chuyện học nghề. Còn ngay từ đầu để tư vấn cho phụ huynh thì rất khó. Nhà trường cũng làm hết sức rồi, nhưng mình vẫn phải tôn trọng ý kiến của học sinh và quyền của phụ huynh."

Ngoài tỷ lệ phân luồng vào các trường trung cấp nghề, học sinh còn có nhiều lựa chọn tại các trường tư thục, dân lập hoặc một số mô hình trường học liên kết, với đầu ra lợi thế hơn cũng như giảm bớt áp lực cho học sinh. Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Phổ thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mô hình trường phổ thông với chương trình học 7 môn văn hóa theo hệ thống giáo dục thường xuyên của trường đã triển khai được 12 năm nay. Tham gia học tập tại đây, học sinh không chịu áp lực nhiều về số môn học giờ học, thay vào đó, các em có những tiết học trải nghiệm về các ngành nghề được đào tạo trong môi trường đại học. Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả nhìn nhận: "Bản thân phụ huynh vẫn muốn chọn cho con một trường học đỡ áp lực nhưng vẫn hoàn thành chương trình trung học phổ thông. Đến thời điểm hiện nay, nhu cầu cho con em học nghề cũng đã định hình, có nhu cầu nhưng chưa thực sự cao lắm. Một số phụ huynh quyết tâm cho con chọn ngành nghề học luôn vì tình hình kinh tế hiện khá khó khăn để các em theo đuổi 3 năm phổ thông và các năm tiếp theo. Cho nên, phụ huynh đã có quan tâm, nhưng chưa nhiều lắm." 

Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Chu Văn An, Quận 5, cho biết ở các quốc gia tiên tiến, việc phân luồng cũng bắt đầu từ lớp 9. Học sinh có 2 hệ phổ thông để chọn theo học là: hệ phổ thông Academic (học văn hoá) và hệ phổ thông ứng dụng thực hành. Học sinh hoàn thành chương trình phổ thông thực hành sẽ tiếp tục học lên các khối trường Đại học thiên về ứng dụng, kỹ thuật... Việc học chỉ dừng ở trình độ đại học chứ không thể tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp trung học, những học sinh phổ thông thực hành vẫn có quyền thi vào các trường đại học thuộc nhóm ngành nghiên cứu để tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Mô hình này cũng đang được ông Đỗ Minh Hoàng nghiên cứu áp dụng tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Chu Văn An với chương trình vừa học văn hoá vừa đào tạo nghề. Ngoài việc liên thông một số trường cao đẳng trong nước, Trung tâm còn ký kết hợp tác trao đổi với một số đơn vị trường đại học trong khu vực. Ông cũng cho rằng tình trạng “sính” bằng cấp, cả trong quan điểm người Việt cũng như cơ cấu tuyển dụng chính là rào cản cho công tác phân luồng học sinh. Nêu một trường hợp thực tế, không ít quán cà phê tuyển thu ngân kế toán cũng yêu cầu trình độ đại học. Trong khi công việc đó, chỉ cần kiến thức trung cấp, cao đẳng đã có thể làm tốt. Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Chu Văn An, chia sẻ: "Phân luồng sau Trung học cơ sở là xu thế của thế giới nhưng để làm được điều đó cần sự vận hành của cả xã hội. Toàn bộ bộ máy chính trị từ trung ương đến địa phương cần vận động lâu dài, điều chỉnh cơ cấu vị trí việc làm thậm chí quan điểm của người dân. Phải thay đổi cách tuyển dụng, thay đổi tư duy thì mới khuyến khích phát triển nghề nghiệp. Nếu không mình sẽ có rất nhiều cử nhân thạc sĩ chạy Grab hay Goviet." 

Có thể thấy, hiệu quả công tác phân luồng sau Trung học cơ sở cũng được thể hiện qua Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 mới đây. Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 81.000/100.000 học sinh lớp 9 tham gia dự tuyển. Như vậy, có khoảng 20.000 học sinh có những lựa chọn khác thay cho việc vào được lớp 10 công lập. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chủ trương phân luồng sau trung học cơ sở tại thành phố dù được triển khai từ lâu: "Thực ra phân luồng là để vào các trường chuyên nghiệp, phân luồng để phù hợp với năng lực người học, chứ không phải phân luồng là chỉ vào các trường Trung học phổ thông tư thục, ngoài công lập. Trong 20.000 học sinh lớp 9 không dự thi lớp 10, đa số các em đã có lựa chọn ở các trường ngoài công lập. Lựa chọn các trường vừa sức ở gần nhà, các trung tâm Giáo dục thường xuyên, Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên ở gần địa phương để chọn nơi học phù hợp; số môn học cũng như yêu cầu cũng sẽ phù hợp với năng lực. Đó cũng là định hướng tốt cho các em ở các trình độ khác nhau."     

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay đất nước đang tiến tới cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 cho nên thị trường lao động hiện nay luôn cần nguồn nhân lực rất đa dạng có nghề từ cấp bậc: Đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Do đó, mỗi học sinh sau Trung học cơ sở cần căn cứ vào năng lực, sở trường và điều kiện để chọn trường học phù hợp sở thích, năng lực. Bằng cấp nghề nghiệp sau này mà các em có được phải gắn liền với kiến thức văn hóa phổ thông và đi đôi với giá trị nghề nghiệp thì các em mới có thể đứng vững trong thị trường lao động: “Chúng ta phải hiểu rằng năng lực hành nghề là quan trọng. Điều quan trọng là mỗi người lao động chúng ta chọn cho mình một nghề nghiệp đúng, một cấp bậc học đúng. Chọn nghề sai là chọn sai cho một hành trình nghề nghiệp, nhưng chọn cấp bậc học sai thì cũng là sai trong quá trình chúng ta vận hành nghề nghiệp sau này để chúng ta có một sự phù hợp nghề, khả năng trước mắt đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm. Điều này đòi hỏi trong quá trình tuổi trẻ học tập, vươn lên, nắm bắt cơ hội rèn luyện bản thân”

Ông Trần Anh Tuấn cũng phân tích thêm, hệ thống thị trường lao động vận hành với rất nhiều cấp bậc như sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, trên đại học. Và bậc nào cũng phải bắt đầu bằng nền móng văn hóa. Song hành của nghề nghiệp chính là văn hóa, cấp bậc nào cũng phải gắn liền với việc học văn hóa, chỉ là mỗi bậc, co giãn theo mức độ, hình thức nào để phù hợp với năng lực, điều kiện, nhu cầu của mỗi người.

Khi mỗi bậc học có một chức năng riêng và có một thị phần nhất định trong thị trường lao động thì việc sinh viên sau khi tốt nghiệp được làm đúng nghề, đúng lĩnh vực sẽ không còn là bài toán quá nan giải. Vấn đề còn lại là người học phải biết tự cân nhắc năng lực học tập, năng lực tài chính của bản thân, gia đình để chọn ngành học, bậc học cho phù hợp, học và sau này làm việc luôn bằng tất cả trách nhiệm và đam mê thì chắc chắn thành công trong hành trình cuộc đời về thu nhập, đời sống và sự nghiệp.

Tuyết Nhung/radio.voh.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
--> <

Tư vấn 24/70962108879
zalo-icon