TRANG THÔNG TIN TUYỂN SINH

http://tuyensinh.tdc.edu.vn


Tự chủ tài chính ở trường TC-CĐ: Không bao cấp, nhiều trường “chết”

Đó là khẳng định của các đại biểu, chuyên gia tại tọa đàm Thực trạng và giải pháp hướng tới tự chủ tài chính của các trường CĐ-TC công lập trên địa bàn TP.HCM do sở LĐ TB-XH tổ chức sáng 10-11.
Quang cảnh tọa đàm

Tại tọa đàm, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) cho biết trường cũng đã thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 43 từ nhiều năm nay. Trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, nhất là lương và đội ngũ nhân sự. “Hiện mức thu học phí không đủ chi lương cho giáo viên 1 tỷ đồng/ tháng thì lấy đâu đầu tư trang thiết bị”, bà Thủy lo lắng

Trường có quyền gì khi tự chủ?

Tự chủ hoàn toàn là tự chủ về cái gì, trường có những quyền hạn gì? Trường có quyền đưa ra mức học phí khi nhà nước không rót kinh phí nữa hay không? Đối tượng học nghề sau tốt nghiệp THCS được miễn học phí nay thế nào? Đó là những câu hỏi mà bà Thủy đưa ra để mổ xẻ.

Từ những khó khăn trên, bà Thủy đề xuất cần có hướng dẫn cụ thể với các bước và có buổi tập huấn riêng để viết đề án tự chủ. Trong đó, tự chủ cả về giáo trình, các hoạt động và chỉ tiêu tuyển sinh. Cùng quan điểm với bà Thủy, ông Nguyễn Thanh Tuyền (Phó Hiệu trưởng trường CĐ Nghề TP.HCM) cho rằng tự chủ tài chính thì mức thu học phí phải đủ bù chi và được quyền tự chủ trong chỉ tiêu tuyển sinh cũng như liên kết đào tạo. Để có cơ sở tiến đến tự chủ tài chính, cần có hướng dẫn để xây dựng lộ trình đến năm 2021.

Ông Phạm Đức Khiêm (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật TP.HCM) cho rằng doanh nghiệp cũng rất muồn đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ đào tạo theo đơn đặt hàng nhưng cơ chế chính sách cho họ thì chưa ràng. Miễn thuế mua sắm trang thiết bị, miễn thuế cho đầu ra của sản phẩm là ý kiến ông Khiêm đề xuất.

Theo ông Khiêm, trường cũng đã thực hiện tự chủ tài chính từ ba năm nay với việc áp định mức chi vật tư, văn phòng phẩm cho mỗi phòng, khoa. Để giảm chi phí đầu tư trang thiết bị, trường giao khoán cho thầy cô đứng máy có biện pháp bảo dưỡng và bước đầu đã tích lũy được tiền ngân sách nhà nước. Hơn nữa, ở mỗi khoa đều có dịch vụ, cụ thể là trung tâm tin học, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm dịch vụ gia công. Đây là những “doanh nghiệp nhỏ” trong khoa. Từ lợi thế này, ông Khiêm kỳ vọng có thể tự chủ được trong năm 2021.

Chia sẻ khó khăn trong thực hiện tự chủ tài chính, đại diện trường CĐ Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, mức thu học phí chỉ đáp ứng 20% kinh phí, đủ chi cho lương và quản lý chứ không thể đủ để tính khấu hao tài sản. Trường phát huy lợi thế mảng dịch vụ để tiến tới tự chủ nhưng đến năm 2021, cố gắng lắm cũng chỉ đạt 70-80%.

Trong khi đó, TS Bùi Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II cho biết, để thực hiện lộ trình tự chủ tài chính, trước hết trường thực hiện sắp xếp lại bộ máy, một người có thể kiêm nhiệm 2-3 vị trí. Qua thời gian thực hiện, tiền lương của người lao động cơ bản vẫn đảm bảo. Theo đó, trường trả lương theo các tiêu chí mà Hội đồng nhà trường xây dựng. Nguồn chi từ thu học phí và các hoạt động dịch vụ gắn với đào tạo, chương trình liên kết với nước ngoài. Lương của người lao động thỏa thuận ngay từ lúc tuyển dụng.

Cần “bộ lọc” để cơ cấu

“Để cân đối, tùy vào ngành nghề mà nhà trường đang định hướng phát triển mới cử giáo viên đi học nâng cao chứ không tạo điều kiện rộng rãi như trước. Một giải pháp nữa trong thực hiện tự chủ là trường không có giáo viên chủ nhiệm và nhiệm vụ này giao cho phòng tuyển sinh phối hợp với trưởng khoa đảm trách. Kể cả KTX trước đây có 7 người phụ trách nhưng nay khoán cho một người, mỗi tháng đóng về cho trường 150 triệu đồng. Hay như trường có các trung tâm đào tạo ngắn hạn nhưng hoạt động không hiệu quả nên cũng giao khoán. Đồng thời các khoa chuyên môn cũng làm kinh tế được. Từ khi thực hiện đến nay, quỹ lương tăng lên 20%”.

Bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) chia sẻ khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính

TS Huỳnh Thanh Điền (nhóm Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM) cho rằng muốn tự chủ tài chính đạt hiệu quả thì cần phân biệt rõ giữa quản lý nhà nước và quản lý sở hữu công. Các trường tuyển sinh không được cũng được rót ngân sách, nghĩa không hoạt động gì cũng có tiền, vì vậy không cải tiến chất lượng dẫn đến không tuyển sinh được trong khi áp lực ngân sách là rất lớn.

“Đã nói tự chủ thì phải tự chủ trong các hoạt động của nhà trường. Ngân sách chỉ cấp cho một số trường có kết quả tuyển sinh tốt, có ngành nghề đào tạo theo định hướng phát triển của thành phố. Nhà nước không can dự vào hoạt động của trường. Lúc này một số trường kém năng lực sẽ bị giải thể. Đây là “bộ lọc” hiệu quả để tái cơ cấu, sắp xếp lại các trường. TP cần lập ban xây dựng chiến lược tự chủ tài chính có đại diện các trường tham dự để từ năm 2021 trở đi có thể quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp.

TS Nguyễn Trần Nghĩa, nguyên Hiệu trưởng trường CĐ Nghề TP.HCM cho rằng tự chủ tài chính là tất yếu tuy nhiên cũng cần có hướng dẫn cụ thể, có sự đầu tư tính toán hợp lý. Một người kiêm nhiệm nhiều việc quá thì liệu có ổn?

“Sản phẩm đầu ra không đảm bảo chất lượng thì khó mà tồn tại”, bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) khẳng định như vậy khi đề cập giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo là bước đầu để tiến đến tự chủ tài chính.

“Nhiều nước quản lý ngân sách theo đầu ra, chúng ta quản lý đầu vào thì trong khi nguồn thu chính là từ học phí, hoạt động dịch vụ thu không đáng kể nên cần xây dựng hướng tự chủ theo mức độ và có lộ trình cụ thể”, ông Trần Ngọc Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Thủ Đức.

Ông Nguyễn Văn Lâm, phó giám đốc sở LĐ TB-XH TP.HCM yêu cầu các trường xây dựng lộ trình cụ thể và các nội dung cần thực hiện để hướng đến tự chủ là xác định lại ngành đào tạo trên cơ sổ phát huy thế mạnh và tiềm năng của trường, theo nhu cầu của xã hội và đúng định hướng của TP; Xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật để làm căn cứ xác định chi phí đào tạo…

box: Ở các nước Đức, Úc, chính phủ vẫn bao cấp đầu ra cho trường công, tức chỉ trường nào truyển sinh được mới cấp kinh phí. Hàn Quốc cũng đầu tư cho trường nghề không phân biệt công hay tư. Tại Việt Nam, một số trường được ưu tiên nhiều mặt như đầu ra sinh viên được kiểm định bởi chuyên gia nước ngoài, giáo viên được đào tạo các chương trình, thụ hưởng giáo trình chuyển giao… và lớn hơn là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trong khi đó rất nhiều trường phải cân đong đo đếm mới giữ được chân đội ngũ, tự thân vận động, kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp”. (Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức).

Trần Anh

(Theo Giáo dục TP. Hồ Chí Minh)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
--> <

Tư vấn 24/70962108879
zalo-icon