Nỗi lo tăng học phí
|
|
|
Mấu chốt vẫn là các trường phải cung cấp được dịch vụ tốt, tương xứng với mức học phí mà người học bỏ ra, đảm bảo
chất lượng đào tạo, đảm bảo việc làm |
|
|
BÙI VĂN HƯNG (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2) |
|
|
Tại buổi tọa đàm do Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức vào cuối tuần qua với chủ đề “Thực trạng và giải pháp hướng tới tự chủ tài chính trong các trường cao đẳng, trung cấp (CĐ, TC) công lập trên địa bàn TP.HCM”, vấn đề học phí là nỗi lo lớn nhất của các trường này khi tiến tới tự chủ.
Bà Phạm Quang Trang Thủ, Hiệu trưởng Trường TC Nghề kỹ thuật - công nghệ Hùng Vương, cho biết: “Lâu nay chúng tôi chỉ thu 5 triệu đồng/học sinh/năm. Mức học phí này không đủ chi phí cho một giáo viên/năm, đừng nói đến đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị. Nếu tự chủ, không còn nhận kinh phí từ nhà nước, thì để đảm bảo chi phí hoạt động, học phí chắc chắn sẽ phải tăng. Trong khi những bạn đi học nghề hiện nay đa số là có hoàn cảnh khó khăn”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, phân tích phụ huynh có thể sẵn sàng đầu tư cho con học đại học dù mức học phí lên tới cả chục triệu/tháng, nhưng để bỏ ra mức đó cho một năm để học nghề sẽ khiến phụ huynh phải cân nhắc. “Trường tôi thu 6 triệu đồng/học sinh/năm, nhưng nhiều em vẫn còn nợ do không đủ tiền đóng. Trường phải đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ cho các em. Thực sự đây là một vấn đề hết sức nan giải. Người học nghề chủ yếu đến từ nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhà không có điều kiện về tài chính, muốn học nghề để giảm chi phí và nhanh đi làm giúp đỡ gia đình”, bà Lý chia sẻ.
Ông Trần Kim Tuyền, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM, thì lo ngại khi học phí tăng, người học có thể sẽ giảm nhiều.
Tự chủ là cơ hội “lột xác”
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, thành viên nhóm Tư vấn đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM, ví tự chủ chính là quá trình lột xác rất đau đớn của các trường CĐ, TC công lập. Lý do là lâu nay dù tuyển sinh được hay không, các trường này vẫn được nhận kinh phí hoạt động từ nhà nước. “Đến năm 2021, các trường buộc phải tự chủ hoàn toàn. Lúc đó, trước sự cạnh tranh công bằng, trường nào năng động sáng tạo, chất lượng tốt sẽ đột phá để phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, trường nào còn chưa thay đổi nhận thức, tư duy và hành động, chắc chắn sẽ đi đến giải thể”, ông Điền nhìn nhận.
Tính đến thời điểm này, cả nước mới chỉ có 3 trường gồm CĐ Nghề Quy Nhơn, CĐ Nghề Lilama II và CĐ Kỹ nghệ 2 đang thực hiện tự chủ hoàn toàn. Ông Bùi Văn Hưng, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2, chia sẻ kinh nghiệm: “Sau 2 năm thực hiện tự chủ, được tự mở mã ngành, tuyển dụng giảng viên, hợp tác quốc tế, xác định chỉ tiêu... chúng tôi nhận thấy đây chính là cơ hội để phát triển. Vì được quyền quyết định mọi thứ, nên chúng tôi xây dựng cơ sở vật chất, sắm trang thiết bị, xưởng thực tập được trang bị hệ thống làm mát, máy lạnh, hệ thống camera giám sát... Năm 2016 trường tuyển được 1.560 sinh viên, năm nay được hơn 2.000”.
Ông Hưng cho biết thêm, học phí trường thu hiện tại là 14 triệu đồng/năm/sinh viên CĐ. Học sinh THCS đi học TC vẫn được miễn 100% học phí theo quy định của nhà nước (nhà nước cấp 6 triệu đồng/học sinh/năm, trường phải bù 7 triệu). Trường gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi để tặng học bổng, bù vào những khoản chi giảm học phí cho các đối tượng chính sách, tăng lương cho giáo viên và nhân viên, đặc biệt những người giỏi.
Như vậy, việc tăng học phí mà vẫn thu hút người học hoàn toàn phụ thuộc vào phương pháp của mỗi trường. “Mấu chốt vẫn là các trường phải cung cấp được dịch vụ tốt, tương xứng với mức học phí mà người học bỏ ra, đảm bảo chất lượng đào tạo, đảm bảo việc làm. Phải biết mức học phí đó nằm trong phân khúc thị trường nào, và dám chịu trách nhiệm với người học”, ông Hưng chia sẻ.
Mỹ Quyên
(Theo Thanh niên)