Là con gái, nhưng từ khi học cấp 3, Bùi Thị Huỳnh Trân (lúc đó đang là học sinh của Trường THPT Tam Phú) đã nhận ra mình rất hứng thú với các môn học liên quan đến kỹ thuật, đặc biệt là điện. Với mong muốn vừa được học gần nhà, vừa học ngành mình thích nên qua sự tư vấn của anh trai (cũng là cựu sinh viên của TDC), Huỳnh Trân đã chọn TDC là nơi chắp cánh cho ước mơ nghề nghiệp của mình, với ngành Công nghệ kỹ thuật (CNKT) điều khiển và tự động hóa.
Mặc dù lúc đó, ngành CNKT điều khiển và tự động hóa là một ngành học khá mới mẻ tại TDC, do chỉ mới mở được vài năm. Nhưng qua tìm hiểu, cộng với sự tư vấn của anh trai, Trân tin rằng ngành học này hứa hẹn đầy tiềm năng và sẽ mang đến cho mình cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Ấn tượng ban đầu của Trân về TDC là khuôn viên trường rất đẹp và mát mẻ, lại có đủ không gian phục vụ cho việc học tập và sinh hoạt, giải trí của sinh viên: sân bóng đá, bóng chuyền, quần vợt…
Huỳnh Trân với sản phẩm của mình tại Ngày hội Kỹ thuật do Khoa Công nghệ tự động tổ chức
Khi tiếp cận các môn chuyên ngành như: lập trình, thiết kế mạch… sự hứng thú ban đầu trong Trân dần dần phải nhường chỗ cho sự nỗ lực học hỏi, vì khối lượng kiến thức ngày càng khó, hơn nữa, lại vô cùng mới mẻ. Những môn về lập trình, thiết kế, phân tích vốn là ưu thế của các bạn nam nên bản thân Trân phải nỗ lực rất nhiều. Bên cạnh lắng nghe bài giảng trên lớp, Trân cũng cố gắng học hỏi từ bạn bè, đồng thời chăm chỉ làm bài tập để nhớ bài lâu và kỹ hơn. Cũng nhờ chăm chỉ, tìm tòi học hỏi, Trân nhận ra mình cực kỳ thích học các môn thực hành về thiết kế mạch, lập trình PLC… Do có niềm yêu thích đối với ngành này nên Trân đã cố gắng không ngừng để không bị kém cạnh so với các bạn nam trong lớp, và thực tế là cũng đã đạt được kết quả tốt trong suốt những năm học tại TDC.
Triết lý: “Luyện tập tạo nên sự hoàn hảo” của khoa cũng là điều Trân cảm thấy ấn tượng và tự hào. Không chỉ trang bị phòng máy, phòng thực hành, CLB sáng tạo cho sinh viên, khoa còn áp dụng quy trình 5S rất nghiêm ngặt đối với sinh viên khi học tại xưởng. Điều này giúp bản thân Trân và sinh viên của khoa thích nghi ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và không bị bỡ ngỡ khi làm việc thực tế tại doanh nghiệp.
Trân cho biết, ở khoa Công nghệ tự động, Trân ấn tượng nhất là thầy Nguyễn Minh Chương – trưởng khoa, một người: “Giống như một người cha, khá nghiêm khắc trong việc dạy học nhưng đôi lúc cũng rất thoải mái và luôn là người truyền động lực học tập cho sinh viên. Không những vậy, thầy còn luôn dõi theo và ủng hộ sinh viên trong các hoạt động xã hội”. Cô Hoàng Minh Hạnh – Bí thư Đoàn khoa cũng là người có sức ảnh hưởng và giúp Trân có những thay đổi tích cực. Từ một người có tính cách hướng nội, nhút nhát, ngại giao tiếp, khi tham gia các hoạt động của Đoàn – Hội, được sự hướng dẫn, đồng hành và cả những chia sẻ, động viên rất thân tình của cô Hạnh, Trân đã tự tin, cởi mở, năng động hơn, dám vượt qua những giới hạn của bản thân để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình ở thời điểm hiện tại. Nhờ những thay đổi tích cực đó, Trân đã dễ dàng hòa nhập và hoàn thành tốt kỳ thực tập tại môi trường doanh nghiệp. Sau khi kết thúc kỳ thực tập, Trân được nhận vào làm việc chính thức tại Công ty Cổ Phần Hạo Phương (công ty phân phối các sản phẩm điện, nhà tích hợp hệ thống tự động hóa tại Dĩ An, Bình Dương), và hiện tại đang là trưởng nhóm dự án của công ty.
Huỳnh Trân luôn năng nổ, tích cực trong các hoạt động Đoàn - Hội do khoa và nhà trường tổ chức
Khi được hỏi về những khó khăn của nữ sinh viên kỹ thuật nói chung và ngành CNKT điều khiển và tư động hóa nói riêng, từ trải nghiệm thực tế của bản thân, Trân chia sẻ: “Vì là ngành kỹ thuật nên môi trường sẽ rất ít nữ, do đó đôi lúc cũng hơi tủi thân khi không có bạn nữ để cùng trò chuyện, chia sẻ. Bản thân mình trong quá trình học cũng thường được thầy cô chú ý nhiều nên luôn tự nhủ là phải cố gắng, chăm chỉ và nỗ lực hơn nhiều nữa để không kém cạnh các bạn nam trong lớp. Tuy nhiên, ưu điểm của nữ khi học khối ngành kỹ thuật đó là bản thân sẽ biết cách quản lý việc học của mình, có những môn học đòi hỏi sự kiên nhẫn, cẩn thận thì bản thân mình cảm thấy làm tốt hơn các bạn nam trong lớp”. Trân còn cho biết: Các thầy, cô ở Khoa Công nghệ tự động rất thân thiện, nhiệt tình, các bạn sinh viên cũng rất hòa đồng, dễ thương, có đôi lúc Trân cũng quên mất mình là nữ khi chỉ toàn gọi nhau là “huynh – đệ”. Nhưng các ngày dành cho nữ giới như: 8/3, 20/10, khoa luôn mang đến điều bất ngờ dành cho các giảng viên và sinh viên nữ của khoa. Trân luôn cảm thấy yêu thích và tự hào đối với khoa Công nghệ tự động và ngành học mà mình đã chọn.
Chia sẻ dành cho các bạn thí sinh đang băn khoăn trước ngưỡng cửa nghề nghiệp, Trân nghĩ rằng: “Các bạn hãy đi theo niềm đam mê của mình, ngành kỹ thuật nói chung và ngành CNKT điều khiển và tự động hóa nói riêng là một ngành đang phát triển mạnh mẽ và có nhu cầu nhân lực lớn trong thời đại 4.0 ngày nay. Do vậy, khi đã xác định học thì phải kiên trì gắn bó, nỗ lực luyện tập thì bạn sẽ thực sự yêu thích và đam mê với ngành đã chọn. Bên cạnh việc học, cũng nên dành thời gian cho các hoạt động của trường và khoa để tích lũy các kỹ năng mềm, những kỹ năng này sẽ hỗ trợ cho bản thân rất nhiều khi làm việc tại doanh nghiệp”.
Bùi Thị Huỳnh Trân (buithihuynhtran@gmail.com)
Cựu sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Khoa Công nghệ tự động khóa 2017 – 2019
Vai trò, thành tích tiêu biểu:
- Ủy viên BCH Liên chi hội khoa Công nghệ tự động
- Liên chi hội trưởng Khoa Công nghệ tự động
- Bí thư chi đoàn giỏi TP. Hồ Chí Minh
- Một số giấy khen của Hội Sinh viên trường.
|
(Trung tâm Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh)