Đề xuất học sinh hết lớp 9 được học thẳng lên cao đẳng

Thứ sáu - 16/11/2018 11:02

Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, hiện chúng ta ít quan tâm đến một đối tượng rất quan trọng, đó là các em hết 15 tuổi mà không có khả năng theo học THPT, thì phải vào học nghề. Những em này dường như phải học những chương trình chưa thực sự ưu tiên. Như vậy, chúng ta vừa lãng phí nguồn lực xã hội, vừa tạo nên vấn đề xã hội là các em bỏ học sau 15 tuổi.

 

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội

Sáng 15-11, Quốc hội thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi với nhiều ý kiến rất tâm huyết. Trong đó, đáng chú ý là nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện phân luồng giáo dục hiệu quả trong thời gian sắp tới.

Học sinh thường chọn học lên đại học thay vì con đường khác

ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, giáo dục hiện nay chưa có sự phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS). Thực tế, người học không có hướng đi lên cho dù là cao đẳng, vì muốn học lên cao đẳng còn cần có bằng tốt nghiệp phổ thông.

“Do đó, nếu quy định như dự thảo luật sẽ giống như từ trước đến nay, tức là sau THCS người học có thể đi vào THPT, sau THPT người học có xu hướng đi vào đại học. Vì vậy, đi vào cao đẳng sau này sẽ rất khó học tiếp lên đại học do cấu trúc của 2 trình độ này khác nhau. Điều này có thể được xem là một trong những nguyên nhân tạo ra cơ cấu nguồn lực bất hợp lý, đó cũng là một trong những lý do sinh viên tốt nghiệp đại học mà không có việc làm, gây lãng phí cho xã hội”, ĐB Nguyễn Tuấn Anh lo ngại.

Ông cũng cho rằng, dự thảo luật vẫn chưa bảo đảm tính liên thông, tính mở của hệ thống giáo dục. Hầu hết hệ thống giáo dục của các nước phân thành các cấp độ từ 0 đến 8, tương ứng với giáo dục mầm non, tiểu học, trung học bậc thấp, trung học bậc cao, trung học, cao đẳng, cử nhân hoặc tương đương, thạc sĩ hoặc tương đương, tiến sĩ hoặc tương đương.

Từ cấp độ 2 đến cấp độ 4 được coi là cấp độ giáo dục phổ thông, với các trình độ giáo dục được chia làm 2 hướng là giáo dục phổ thông và giáo dục nghề. Từ cấp độ 5 đến 8 được gọi là cấp độ giáo dục đại học, với các chương trình giáo dục được chia làm 2 hướng, hàn lâm, hướng nghề nghiệp ứng dụng và hướng chuyên nghiệp.

Quy định như vậy tạo sự thuận tiện trong việc chuyển trường cũng như chuyển từ chương trình giáo dục này sang chương trình giáo dục khác, hoặc chuyển từ chuyên ngành đào tạo này sang chuyên ngành đào tạo khác, tức tạo ra cơ chế liên thông trong toàn hệ thống. Nhờ vậy người học có thể dễ dàng học được chương trình phù hợp nhất, tùy thuộc vào sở thích, năng lực cá nhân hoặc biến động trong thị trường nhân lực.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang quy định khối giáo dục nghề nghiệp nằm ở vị trí giáo dục trung học, dưới giáo dục đại học, nếu người học muốn dự tuyển vào cao đẳng phải đồng thời vừa có bằng trung cấp, vừa có bằng THPT hoặc đã học và đạt đủ điều kiện khối lượng kiến thức văn hóa phổ thông THPT.

Các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng trong khối giáo dục nghề nghiệp cũng không có sự liên thông thật sự. Nếu người học muốn từ cao đẳng chuyển lên đại học cũng gặp nhiều khó khăn vì có sự khác nhau về cấu trúc chương trình đào tạo do hai cơ quan quản lý khác nhau.

Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến không thực hiện được phân luồng THCS nhiều năm qua. Việc chưa tạo ra cơ chế liên thông trong toàn hệ thống, làm cho nhiều học sinh thường chọn học lên đại học thay vì con đường khác.

Từ những phân tích đó, ĐB đề xuất phân hệ các trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: giáo dục mầm non, có nhà trẻ và mẫu giáo; tiểu học; giáo dục trung học có THCS và trung học toàn phần, trung học toàn phần bao gồm 2 luồng: THPT và trung học hướng nghiệp; giáo dục nghề có dạy nghề sơ cấp, dạy nghề trung cấp và dạy nghề cao cấp; giáo dục đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ cử nhân và tương đương, trình độ thạc sĩ và tương đương, trình độ tiến sĩ và tương đương.

“Nếu phân như vậy thì sẽ tạo ra hình hài của một hệ thống giáo dục mở, thể hiện rất rõ ràng sự phân luồng người học sau THCS và THPT cũng như tính liên thông mỗi luồng cho tới trình độ cao nhất. Đồng thời, cho phép tạo ra đội ngũ nhân lực đa dạng, đa trình độ để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước cũng như giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quy định về văn bằng, chứng chỉ cho những ngành đặc thù”, ĐB Nguyễn Tuấn Anh nêu.

Đề xuất học sinh hết lớp 9 được học thẳng lên cao đẳng

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) Lê Quân cũng nhấn mạnh nhiều về vấn đề phân luồng trong giáo dục. Từ năm 2011, chỉ thị của Bộ Chính trị cũng như quyết định gần đây của Thủ tướng Chính phủ năm 2018 có nêu mục tiêu đến năm 2020, phải đạt 30% học sinh THCS và học nghề và đến năm 2025 đạt mục tiêu 40%.

Cho đến nay, đánh giá thực tế mới chỉ đạt được khoảng 8-10%. Không chỉ thấp mà phân luồng cũng chưa gắn thực sự với việc đào tạo và giải quyết việc làm. Hiện nay, công tác phân luồng thu hút người vào học nghề chủ yếu phụ thuộc vào sự nỗ lực, lăn lộn của rất nhiều các trường nghề, đi từng thôn, bản, xóm, làng, huyện để tư vấn tuyển sinh, còn chính sách của chúng ta để định hướng và phân luồng chưa thực sự mạnh.

Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cần phải ưu tiên về vấn đề phân luồng.

“Hiện nay, nếu con em chúng ta học giỏi và đỗ vào cấp 3 thì chúng ta rất yên tâm và các địa phương cũng rất chú trọng đến đầu tư vào trường chuyên, lớp chọn và các trường THPT, nhưng ít quan tâm đến một đối tượng rất quan trọng, đó là các em hết 15 tuổi mà không có khả năng theo học THPT thì phải vào học nghề. Những em này dường như ít được quan tâm, phải học những chương trình chưa thực sự ưu tiên. Chúng ta vừa lãng phí nguồn lực xã hội, vừa  tạo nên vấn đề xã hội là các em bỏ học sau 15 tuổi”, ông Lê Quân nói.
Trong khi đó, xu hướng trên thế giới là gia nhập thị trường lao động rất sớm. Nên nếu các em theo học phân luồng sớm, THCS, tức lớp 9 vào học nghề thì 18, 19 tuổi các em đã gia nhập thị trường lao động với mức lương 8-9 triệu như hiện nay và làm việc gần nhà, giải quyết rất nhiều vấn đề lao động, sau đó các em hoàn toàn có thể học liên thông 1, 2 năm để lấy bằng đại học.

Đây là một mô hình rất thành công tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, thậm chí các quốc gia phát triển như Pháp, Anh. Không nhất thiết các em phải học xong lấy bằng phổ thông, mà các em xong THCS có thể học những chứng chỉ và xác nhận, sau đó các em học tiếp.

“Do đó, nếu giải quyết phân luồng tốt cũng như giải quyết được vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu, chúng ta sẽ có một lực lượng lao động chất lượng, tăng cường lực lượng lao động sớm, giải quyết được số lao động là con em hộ nghèo, con em đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng tránh cho các em đổ xô vào học các trường đại học tư thục kém chất lượng, rất lãng phí”, ông Lê Quân nói.

Từ thực tế hiện nay, ông Lê Quân đề nghị học xong THCS không chỉ học lên trung cấp mà được học lên thẳng cao đẳng, đây là mô hình đã được thí điểm ở Việt Nam những năm vừa qua.

“Bộ LĐ-TB và XH đã thí điểm mô hình học hết 9 năm lên học cao đẳng. Chương trình 3-4 năm thiết kế tổng thể cả văn hóa cả kỹ năng nghề, các em 18-19 tuổi gia nhập thị trường và rất hiệu quả. Năm 2018, kết quả tuyển sinh vượt trội vì mô hình này. Do đó, Luật nên cho phép các em học hết THCS có thể tham gia trung cấp hoặc học cao đẳng ngay”, ông Lê Quân đề xuất.

PHAN THẢO

(Theo SGGP)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
--> <

Tư vấn 24/70962108879
zalo-icon