Các sở GD-ĐT chủ trì chấm thi
|
|
Chấm thi ngay từ ngày 25.6
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết đã điều động khoảng 1.000 giáo viên, nhân viên tham gia công tác chấm thi ngay trong ngày 25.6. Dự kiến ngày 2.7 sẽ thực hiện công tác đối sánh kết quả thi, ngày 3.7 sẽ kết thúc công tác chấm thi, gửi dữ liệu về Bộ GD-ĐT để tiếp tục đối sánh và công bố kết quả.
Dự kiến công bố kết quả thi vào ngày 7.7 và thời gian nhận đơn phúc khảo bắt đầu từ ngày 8 - 17.7. TS là học sinh THPT sẽ nhận đơn tại trường theo học lớp 12, TS tự do nhận đơn tại nơi đăng ký dự thi.
B.Thanh
|
|
|
Tại cuộc họp báo, trả lời phóng viên Thanh Niên về khâu chấm thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Ban chỉ đạo thi quốc gia xác định đây là một khâu rất quan trọng để đảm bảo tính khách quan, trung thực của kỳ thi. Các kỹ thuật, quy trình chấm thi thế nào, thành phần ra sao... thì trong quy chế thi đã nêu rất rõ. Chủ trì công tác chấm thi vẫn là các sở GD-ĐT. Tham gia lãnh đạo ban chấm thi, chấm thi, thanh tra, giám sát công tác chấm thi... đều có người của các trường ĐH. Bộ đã có công văn hướng dẫn các trường ĐH cử cán bộ tham gia công tác chấm thi cùng với sở GD-ĐT trong quá trình chấm thi”.
Theo ông Trinh, với bài thi tự luận là môn ngữ văn, phải chấm nghiêm túc 2 vòng độc lập, song song đó là chấm kiểm tra cùng với chấm độc lập để đảm bảo tối thiểu 5% số bài thi nhằm kịp thời phát hiện những vấn đề điều chỉnh (nếu có) và tiến hành chấm thẩm định.
Đối với bài thi trắc nghiệm khách quan, sẽ chấm bằng phần mềm máy tính theo quy trình chặt chẽ. Cố gắng các hội đồng thi hoàn thiện, chuẩn chỉnh dữ liệu để gửi về ban chỉ đạo thi quốc gia, đưa dữ liệu lên hệ thống, thực hiện công tác đối sánh. Khi dữ liệu được xác định hoàn toàn chính xác thì chậm nhất ngày 7.7 sẽ công bố kết quả thi.
Ông Trinh cho biết: Việc công bố kết quả thi năm nay cũng được phân tải cho 63 hội đồng thi trên toàn quốc giống như đã làm năm 2016 để việc công bố kết quả thực hiện trôi chảy, tránh ách tắc.
Giảm thí sinh vi phạm có phản ánh đúng thực tế?
Thí sinh tại TP.HCM trao đổi sau khi hoàn thành bài thi Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, năm nay số thí sinh (TS) vi phạm giảm mạnh, toàn quốc chỉ có 72 TS vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi (năm 2016 con số này là 320). Xung quanh con số này, phóng viên Thanh Niên đặt câu hỏi: “Liệu có phải TS nghiêm túc hơn trong quá trình thi cử hay do kỳ thi được giao về các địa phương nên có sự buông lỏng trong quá trình coi thi như dư luận từng lo ngại trước đó?”.
Ông Mai Văn Trinh cho rằng: Giao cho Sở GD-ĐT chủ trì là đúng “vai” vì đây là kỳ thi THPT quốc gia chứ không phải là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ và các sở GD-ĐT đã rất nhiều năm chủ trì thi cử nên có rất nhiều kinh nghiệm.
Theo ông Trinh, có 2 nhóm giải pháp căn bản để đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc của kỳ thi. Nhóm giải pháp thứ nhất thuộc về khâu quản lý, đó là trong mỗi phòng thi, cán bộ coi thi là 50 - 50, một giáo viên từ trường phổ thông, một là cán bộ, giảng viên từ trường ĐH, CĐ. Thậm chí giáo viên THPT cũng được đảo trên nguyên tắc giáo viên không coi thi học sinh của trường mình. Giải pháp thứ hai về mặt kỹ thuật, việc thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan phù hợp với kỳ thi có đối tượng dự thi lớn, mục đích thi không phải chọn tinh hoa mà là để đánh giá đại chúng nên phù hợp hoàn toàn với kỳ thi THPT quốc gia. “Điều quan trọng nữa là sau khi có kết quả thi, phổ điểm từng môn thi sẽ được phân tích, công bố và đó là câu trả lời khách quan nhất”, ông Trinh nói.
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng nhìn nhận sau khi tham gia các đoàn kiểm tra và là đơn vị có cử cán bộ, giảng viên trực tiếp coi thi, giám sát kỳ thi thì thấy kỳ thi diễn ra rất trật tự. Ông Sơn cũng cho biết sẽ chờ kết quả thi, phân tích phổ điểm thi để có thể khẳng định độ tin cậy của kỳ thi.
Độ khó giữa các mã đề có tương đương?
Trước phản ánh của dư luận cho rằng các mã đề thi trắc nghiệm không thực sự có độ khó tương đương, ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cho rằng đó chỉ là những cảm nhận chủ quan. “Theo lý thuyết khảo thí hiện đại của khoa học đo lường đánh giá thì người ta tính được độ khó của cả bài thi, có thể so sánh được các bài thi đó với nhau. Chỉ khi phân tích điểm trung bình của các mã đề thi này chúng ta mới chứng minh được các đề này có độ khó dễ như thế nào. Nói độ khó của đề thi thì chúng ta phải so sánh cả đề thi với nhau, còn so sánh một câu này với một câu kia thì sự so sánh đó tương đối khập khiễng.
Phương thức thi không thay đổi nhưng đổi cách thực hiện
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, kỳ thi 2017 đã đạt được mục tiêu mong muốn của việc đổi mới thi và tuyển sinh, cho nên những năm tiếp theo căn bản sẽ thi tốt nghiệp THPT như thế này. Ông Ga nhấn mạnh: “Chúng ta có thể thay đổi một số vấn đề kỹ thuật, ví dụ như sắp xếp câu hỏi, điều chỉnh độ dài độ khó... nhưng căn bản nền tảng thì chúng ta tổ chức như năm 2017”. Ông Ga phân tích: Chẳng hạn cũng thi như thế này nhưng TS không phải làm ra giấy nữa mà có thể làm trên máy. Phương thức thi không thay đổi nhưng phương tiện thực hiện được nâng cấp hơn nữa để tạo thuận lợi cho TS. Còn cách cấu trúc đề thi, nội dung thi không thay đổi gì nhiều. Đó là những cái đạt được căn bản năm nay, từ đó trở đi chúng ta có thể hoàn thiện thêm và không làm thay đổi, không ảnh hưởng tới cách học cách dạy và cái như xã hội nói là thay đổi liên tục.
|
Tuệ Nguyễn - Quý Hiên
(Theo Thanh niên)