Xác định ngành, nghề đào tạo mới và kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Thứ ba - 21/09/2021 08:51
Sáng ngày 15/9/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức cuộc họp trực tuyến về xác định ngành, nghề đào tạo mới và kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư. Tham dự cuộc họp có TS. Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, TS. Nguyễn Chí Trường -  Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục GDNN, Ông Tào Bằng Huy - Cục phó Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Bà Vi Thị Minh - Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (VCCI), đại diện Tổ chức hợp tác quốc tế Đức - GIZ gồm đại diện từ Chương trình hợp tác song phương “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam" và Chương trình hợp tác khu vực RECOTVET, đại diện EUROCHARM, lãnh đạo/đại diện 11 doanh nghiệp, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ cao, gồm: Akachan - FPT Software, Công Ty Omron Việt Nam (Nhật Bản), Công ty Siemens (CHLB Đức), Tập đoàn Daikin Việt Nam, Công Ty TNHH Festo, Công Ty TNHH TOYOTA Biên Hoà, Công Ty TNHH SX-TM-DV Đại Thành, Công Ty TNHH Giải pháp Công Nghệ HYTEK (Việt Nam), Công ty T.C Electronics Solution Vietnam (TCE) (Singapore),  Tập đoàn Khọc học kỹ thuật Hồng Hải, Công ty THNN LG Display Việt Nam Hải Phòng và hiệu trưởng 03 trường cao đẳng thuộc Bộ LĐTBXH.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhấn mạnh ý nghĩa, mục tiêu của cuộc họp là nhằm trao đổi các ý tưởng và đề xuất về đào tạo ngành, nghề đào tạo mới và kỹ năng mới phục vụ xây dựng kế hoạch và triển khai các chính sách lớn trong lĩnh vực GDNN trong thời gian tới gồm Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của CMCN lần thứ tư” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 và xây dựng mô hình Trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại 03 miền Bắc, Trung, Nam. Sau bài trình bày của TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy về Quyết định số 1446/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp đã phát biểu, chia sẻ ý kiến về nhu cầu lao động và kinh nghiệm đào tạo trong lĩnh vực công nghệ cao đồng thời đưa ra các đề xuất về đào tạo ngành, nghề mới và kỹ năng mới trong GDNN.
 
Các đại biểu tham dự cuộc họp
 

Theo Ông Trương Ngọc Hoàng -  Giám đốc Công ty TNHH Festo, nếu cơ sở GDNN có nền tảng hạ tầng tốt cộng thêm chú trọng thay đổi, cập nhật chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy thì sinh viên sẽ đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Ông Hoàng đưa ra ví dụ, với nghề Cơ điện tử, chương trình cần phải bổ sung mô đun về công nghệ thông tin, các sinh viên phải được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng về tự động hoá, số hoá, bảo mật thông tin. Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Giám đốc Akachan thuộc FPT Software cho rằng, thời điểm hiện nay, chương trình đào tạo trong lĩnh vực công nghệ mới như Blockchain, Big Data, AI cần chú trọng đào tạo các kiến thức nền tảng như xác suất thống kê, mạng máy tính, an ninh mạng... “Doanh nghiệp cần cơ sở đào tạo tập trung vào phần kiến thức, kỹ năng nền tảng vì đào tạo sâu về công nghệ rất khó, tuy nhiên, cơ sở đào tạo cần kết hợp với doanh nghiệp để tổ chức các buổi chia sẻ, giới thiệu về công nghệ” - Ông Long nhấn mạnh.

Nhiều đại biểu nêu yêu cầu về  đào tạo công nghệ mới cho nhà giáo để nhà giáo đào tạo lại cho người học, chú trọng việc cử nhà giáo đi thực tiễn tại doanh nghiệp để cập nhật công nghệ và cần đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh chuyên ngành để các em cập nhật được công nghệ mới ở nơi làm việc. Một số đại biểu cho rằng doanh nghiệp phải quyết định chương trình đào tạo, do doanh nghiệp thay đổi, cập nhật công nghệ rất nhanh, từ 3-6 tháng đã có công nghệ mới nên cach xây dựng chương trình và giáo trình như hiện nay là không phù hợp. Theo ý kiến của một số đại biểu, đào tạo công nghệ mới nên chia theo các cấp độ và tương ứng là các mô đun hay đơn vị học tập theo từng cấp độ công nghệ thì mới đáp ứng ngay và phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp hiện nay. Đại diện Chương trình hợp tác song phương "Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam" và Chương trình hợp tác khu vực RECOTVET cũng chia sẻ về các kinh nghiệm liên quan và đề xuất nên tham khảo chương trình đào tạo ngành, nghề mới, kỹ năng mới mà quốc tế đã và đang làm, đề xuất về tiêu chí lựa chọn cơ sở GDNN tham gia thí điểm đào tạo, đào tạo lại đồng thời bày tỏ cam kết sẽ đồng hành của Tổng cục trong triển khai các ngành, nghề mới và kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu CMCN lần thứ tư.

Kết thúc cuộc họp, TS Vũ Xuân Hùng đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đại biểu, ghi nhận các ý kiến mang tính khai phá và gợi mở rất nhiều ý tưởng cho Tổng cục nghiên cứu, triển khai các ngành, nghề mới, kỹ năng nghề mới để thích ứng CMCN lần thứ tư. Thời gian tới, Tổng cục sẽ tổ chức nhiều hoạt động liên quan và rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các đại biểu, cơ sở GDNN, các doanh nghiệp và các bên liên quan để GDNN ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. /.

Hiền Phạm

(Theo http://gdnn.gov.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
--> <

Tư vấn 24/70962108879
zalo-icon