Học nghề bánh mì, kỹ năng sống và tiếng Anh miễn phí

Thứ tư - 06/11/2019 08:23
Một buổi trưa tháng 10, trong gian phòng sạch tinh tươm và thơm ngát mùi bơ sữa tại Q.Thủ Đức, TP.HCM, chúng tôi gặp những học viên của lò bánh mì Pháp đang chia bột mì đã ủ men vào từng khuôn...
Học nghề bánh mì, kỹ năng sống và tiếng Anh miễn phí
Anh Trịnh Văn (bìa trái) cùng các học viên /// Thúy Hằng
Anh Trịnh Văn (bìa trái) cùng các học viên - Thúy Hằng
Sau giờ học thực hành, những học viên này trở về ký túc xá, chuẩn bị cho giờ lên lớp buổi chiều học về lý thuyết làm bánh, kỹ năng sống và tiếng Anh. Toàn bộ chương trình học ở lò bánh mì Pháp, kéo dài 16 - 20 tháng cho các bạn trẻ 18 - 23 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, kèm theo ký túc xá, ăn ở, chi phí mua nguyên liệu, đồng phục... trong quá trình học hoàn toàn miễn phí.
“Các bạn trẻ sẽ đóng 150.000 đồng/tháng để cảm thấy thật sự có trách nhiệm với những gì đang được đào tạo”, chị Đoàn Bảo Quyên (28 tuổi), điều phối sư phạm của dự án cho hay. Theo chị Quyên, mỗi năm, dự án chỉ đào tạo cho 20 bạn trẻ, do đó, sẽ ưu tiên những bạn có hoàn cảnh khó khăn nhất trong khắp cả nước. Đến nay, khóa thứ 3 của dự án đang bắt đầu, 20 bạn tốt nghiệp đầu tiên đều đang có những việc làm tại các tiệm bánh mì và bánh ngọt, nhà hàng, khách sạn tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành.
Anh Trịnh Văn (32 tuổi), người Pháp gốc Việt, quản lý dự án lò bánh mì Pháp, cho biết dự án được thành lập từ năm 2017 với sự hợp tác giữa Viện Hợp tác phát triển châu Âu (IECD - tổ chức phi chính phủ của Pháp) cùng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, TP.HCM. Có một đầu bếp là người Pháp trực tiếp hướng dẫn nghề bánh cho các giáo viên người VN, từ đó các giáo viên truyền đạt cho học viên.
Anh Trịnh Văn, cựu sinh viên Trường École Supérieure du Commerce Extérieur (một trường về kinh doanh), có cha và mẹ đều là người VN di cư tới Pháp. Lớn lên ở nước Pháp, nhưng dòng máu Việt trong anh thôi thúc Trịnh Văn trở về và làm những gì có ý nghĩa với VN.
Chàng trai người Pháp gốc Việt bộc bạch: “Pháp là đất nước của những ổ bánh mì thơm phức, đi khắp thế giới. Ở VN, bánh mì cũng gắn bó chặt chẽ vào đời sống, văn hóa của người Việt. Một ổ bánh mì được kẹp rau củ quả và nước xốt trở thành món ăn của tất cả mọi người, từ bình dân tới sang trọng. Thực tế cho thấy nhu cầu nhân lực về thợ làm bánh mì Pháp tại VN ngày càng nhiều hơn, chúng tôi có những mạng lưới nhà hàng, khách sạn, khu du lịch cần đến những đầu bếp giỏi. Đó là lý do, chúng tôi muốn trao cơ hội nghề nghiệp bền vững cho những người trẻ khó khăn, để họ thay đổi được cuộc sống, tương lai của mình”.
Thúy Hằng
(Theo Thanh niên)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
--> <

Tư vấn 24/70962108879
zalo-icon