Trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động ngành dệt may, da giày đang có dấu hiệu giảm nhiệt khi nằm cuối danh sách top 10 tỷ lệ tăng trưởng trong 5 năm trở lại đây, thì ngành cơ khí, điện tử lại có dấu hiệu tăng mạnh.
Nhu cầu tuyển dụng lao động ngành điện tử tăng mạnh
Ảnh Ngọc Thắng
Báo cáo thị trường tuyển dụng trực tuyến lĩnh vực sản xuất năm 2019 tại Việt Nam vừa được VietnamWorks - Trang web tuyển dụng trực tuyến tại Việt Nam, công bố ngày 24.10, cho thấy ngành sản xuất tại Việt Nam hiện đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Theo thống kê từ số liệu công việc đăng tuyển của Vietnam Works, nhu cầu tuyển dụng trực tuyến trong lĩnh vực sản xuất trên toàn quốc giai đoạn 6 tháng đầu năm tăng liên tục trong vòng 5 năm qua. Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực sản xuất giai đoạn nửa đầu năm 2019 tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm.
Dữ liệu trên hệ thống và kết quả khảo sát cho thấy, nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều tỷ lệ thuận với tính cạnh tranh cao. Cụ thể, theo thống kê, top 3 các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất nửa đầu năm 2019 thuộc lĩnh vực sản xuất là: quy trình, sản xuất; cơ khí; điện, điện tử. Đây cũng là top 3 đứng đầu về lượng hồ sơ ứng tuyển trong năm 2019.
Tuy nhiên, tính từ giai đoạn nửa đầu năm 2014 đến nửa đầu năm 2019, các ngành như kế toán, QA/QC, thu mua, vật tư, kho vận là những ngành có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất.
Đối với 3 ngành nghề có nguồn cung lao động cao nhất nửa đầu năm 2019 thuộc lĩnh vực sản xuất, chuyên viên là cấp bậc thu hút hồ sơ ứng tuyển cao nhất. Ở các ngành như cơ khí, điện và điện tử, các ứng viên mới ra trường ứng tuyển nhiều thứ hai, còn ở ngành quy trình, sản xuất thì cấp bậc trưởng phòng, quản lý chiếm vị trí thứ hai.
Kết quả khảo sát ghi nhận nguồn cung lao động chưa kịp chuyển hướng trước sự giảm nhiệt của dệt may, da giày. Cụ thể, dệt may, da giày có dấu hiệu giảm nhiệt về nhu cầu tuyển dụng khi nằm cuối danh sách top 10 tỷ lệ tăng trưởng trong 5 năm trở lại đây với 63%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của nguồn cung lao động của ngành nghề này đứng vị trí thứ 3 với tỷ lệ tăng trưởng trong 5 năm qua đến 209%.
Bên cạnh đó, nhóm ứng viên thuộc dệt may, da giày cũng là nhóm đang có ý định chuyển việc trong thời gian tới cao nhất, chiếm đến 81% ý kiến. Với tốc độ tăng trưởng về nhu cầu tuyển dụng không đột biến như các ngành nghề khác, khả năng tìm việc đúng ngành nghề với ứng viên nhóm này sẽ gặp ít thuận lợi hơn.
Xếp theo địa điểm, top 5 các tỉnh, thành phố có nhu cầu tuyển dụng cao nhất lần lượt là: TP. HCM; Hà Nội; Bình Dương; Đồng Nai và Hải Dương. Đây cũng là top 5 các địa điểm có tỷ lệ cạnh tranh cao do lượng hồ số ứng tuyển nhiều nhất. Tuy nhiên, các vị trí trong danh sách top 5 có sự hoán đổi như sau: Hà Nội giữ vị trí đầu bảng, sau đó lần lượt là: TP. HCM; Bình Dương; Đồng Nai và Hải Dương.
Dữ liệu cũng ghi nhận tỉnh Hà Nam có sự tăng trưởng đột biến và đồng điệu trong nguồn cung - cầu lao động. Bằng chứng là theo tỷ lệ tăng trưởng nhu cầu tuyển dụng lẫn nguồn cung lao động trong 5 năm trở lại đây, Hà Nam vươn lên vị trí có tốc độ tăng trưởng cao nhất, với nhu cầu tuyển dụng tăng đến 421%, và nguồn cung lao động tăng đến 615%, so giữa giai đoạn nửa đầu năm 2014 với giai đoạn nửa đầu năm 2019.