Khi trò chuyện với con về nghề nghiệp tương lai, nhiều phụ huynh chỉ nói đến tiền lương, so sánh mức lương của các nghề. Đó là sai lầm.
1. Không ép buộc
Nhiều phụ huynh muốn con trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhưng đó có thể không phải là công việc các em yêu thích. Những quyết định cho rằng tốt cho con thực tế có thể không phù hợp với niềm đam mê, khả năng cá nhân của chúng. Vì vậy, trước khi giúp con tìm ra, cha mẹ không nên ép buộc làm theo lựa chọn của gia đình. Điều tiên quyết để tìm ra đam mê là phải trung thực với bản thân.
2. Chia sẻ về ý nghĩa công việc
Trò chuyện cùng con về nghề nghiệp tương lai, nhiều phụ huynh thường chỉ nói đến tiền lương và so sánh. Hãy thử tưởng tượng con bạn lựa chọn công việc kiếm được nhiều tiền nhưng không hề yêu thích và mỗi sáng thức dậy không thấy vui mà chỉ cố gắng xoay xở đến giờ tan ca. Liệu nghề nghiệp như vậy có đem lại giá trị cho các em?
Trong những cuộc trò chuyện hướng nghiệp, phụ huynh nên chia sẻ về ý nghĩa của những công việc thay vì chỉ nói về tiền bạc. Thông qua tìm hiểu ý nghĩa của từng nghề nghiệp, trẻ có thể nhận ra đam mê của bản thân hoặc tìm được công việc phù hợp với sở thích.
Ảnh: Shutterstock. |
3. Không bao giờ là quá muộn
Ở trường trung học, học sinh thường được hỏi sẽ học trường đại học nào hay sẽ làm công việc gì. Điều này có thể khiến các em cảm thấy áp lực vì tưởng rằng phải đưa ra quyết định cho toàn bộ cuộc đời sau này.
Hãy giải thích cho con hiểu có rất nhiều thời gian để tìm kiếm đam mê. Đại học là môi trường tuyệt vời để khám phá các lĩnh vực, sở thích cá nhân và mọi quyết định đều có thể thay đổi theo thời gian. Tại Mỹ, các trường đại học có chương trình "undeclared", có nghĩa là không xác định được ngành học cụ thể. Sinh viên lựa chọn "undeclared" có thể dành 1-2 năm đầu bậc cử nhân để đăng ký những môn học thuộc nhiều lĩnh vực, từ đó tìm ra niềm đam mê của bản thân.
4. Thảo luận về tài năng của trẻ
Con trai bạn có khả năng sửa chữa những đồ vật bị hỏng trong nhà. Con gái bạn có thể gắn kết mọi người xung quanh với nhau. Đây là những dấu hiệu về thế mạnh riêng của trẻ, những điều khiến các em cảm thấy hạnh phúc và thoải mái. Nếu con chưa nhận ra khả năng của mình, bạn hãy thảo luận, khen ngợi con. Từ đó, trẻ sẽ có định hướng phát triển đam mê rõ ràng hơn dựa trên lợi thế bản thân.
5. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động
Tham gia câu lạc bộ tại trường học, tổ chức tại địa phương hoặc những dự án phi chính phủ, công việc bán thời gian là cơ hội giúp trẻ tìm ra niềm đam mê cá nhân. Việc tham gia các hoạt động còn giúp trẻ xây dựng kỹ năng mềm, khả năng tự lập, làm việc nhóm. Vì vậy nếu con bạn còn ngại ngần tham gia hoạt động ngoại khóa, hãy khuyến khích, động viên và ủng hộ con.
Nhiều đứa trẻ đã có đam mê từ sớm nhưng chưa thể phát triển vì chưa có kinh nghiệm hoặc chưa nhận ra. Điểm mạnh và kỹ năng có thể phát triển theo thời gian, đặc biệt khi đi theo đam mê.
Quá trình tham gia hoạt động, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng, buồn bã nếu thất bại hoặc gặp trở ngại. Tuy nhiên, bạn có thể chia sẻ với con để theo đuổi đam mê là không đơn giản. Điều quan trọng là vượt qua giới hạn, tự do khám phá bản thân.
6. Làm gương
Giống như trẻ, cha mẹ cũng có niềm đam mê của riêng mình. Bằng cách chỉ cho con thấy cách bạn theo đuổi và duy trì nó, trẻ sẽ biết cách làm chủ đam mê của bản thân.
Tú Anh (Theo Mom Know College)
(VnExpress.net)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn