Thêm một năm khẳng định vị trí vai trò của giáo dục nghề nghiệp

Thứ tư - 30/12/2020 10:22
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng ngành Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Điều này thể hiện rõ vai trò, vị trí của GDNN, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Ngày 28/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - TBXH) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Thứ trưởng Lê Tấn Dũng dự và phát biểu chỉ đạo.
Tham dự còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Lao động – TBXH.
Tháo gỡ nút thắt phân luồng
Năm 2020, nhờ tăng cường chỉ đạo tháo gỡ nút thắt trong phân luồng, nhận thức về GDNN từ Trung ương tới địa phương, cơ sở GDNN và doanh nghiệp, từ cán bộ tới người dân đã có những thay đổi căn bản. Ngày càng nhiều gia đình chọn trường nghề cho con em theo học, dù đủ điểm học đại học.
  Thứ trưởng Lê Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao những kết quả GDNN đạt được trong năm 2020
Điểm lại những kết quả nổi bật của năm 2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương, cho biết: Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị riêng về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Cũng trong năm 2020, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam là ngày 4/10 hàng năm để tôn vinh và lan tỏa giá trị của lao động có kỹ năng nghề, kêu gọi cộng đồng trách nhiệm đối với phát triển GDNN. Điều này thể hiện rõ vai trò, vị trí của GDNN không chỉ đơn thuần là trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp cho người học, mà còn là lực lượng quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
  Lãnh đạo Tổng cục GDNN tại hội nghị
Chất lượng và hiệu quả GDNN được nâng cao: tăng 13 bậc, cao nhất trong ASEAN. Lần đầu tiên Việt Nam có Huy chương Bạc ở cuộc thi kỹ năng nghề thế giới sau 7 kỳ thi với 14 năm tham dự, xếp thứ 25/53 quốc gia, vùng lãnh thổ có thí sinh dự thi (15/63 quốc gia và vùng lãnh thổ không có huy chương).
Cũng nhờ triển khai hiệu quả nhiều giải pháp tháo gỡ nút thắt trong phân luồng, nhất là trung học cơ sở đã tốt hơn nhiều các năm trước. Do đó, năm 2020 trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, GDNN vẫn đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, cả nước tuyển được 2.280 nghìn người, đạt 100,9% kế hoạch năm; trong đó, tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng 580 nghìn người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác 1.700 nghìn người, đạt 101,2% kế hoạch năm.
  Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng làm rõ thêm một số kết quả nội bật trong năm 2020
“Mặc dù công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo bị gián đoạn và phải thay đổi nhiều do tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19, song các cơ sở GDNN đã áp dụng linh hoạt và đa dạng các phương pháp giảng dạy nhằm phát huy cao nhất tính tích cực, chủ động và năng lực tư duy, sáng tạo của người học. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo đã được hầu hết các cơ sở GDNN ứng dụng các phần mềm tin học trong công tác quản lý đào tạo (từ khâu quản lý công tác tuyển sinh; xây dựng, quản lý kế hoạch đào tạo; quản lý kết quả đào tạo; quản lý văn bằng tốt nghiệp,...). Nhiều trường đã thực hiện tuyển sinh online, quản lý kết quả đào tạo online...” - Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương, trao đổi.
  Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN tham góp ý kiến về kết quả công tác GDNN
Bên cạnh đó, nhiều mô hình, cách làm mới mang tính đột phá đã được triển khai như: mô hình 9+, mô hình đào tạo chất lượng cao theo chương trình chuyển giao của nước ngoài; tuyển sinh gắn với tuyển dụng; hội đồng kỹ năng ngành; đại sứ nghề… Năm 2020, nhiều sự kiện lớn cũng được tổ chức thành công như: Diễn đàn Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam; Lễ Tuyên dương học sinh sinh viên GDNN xuất sắc, tiêu biểu toàn quốc; tôn vinh nhà giáo GDNN tiêu biểu xuất sắc; ngày hội khởi nghiệp quốc gia…
Tiếp tục gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp
Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN, cho biết: Xác định gắn kết với doanh nghiệp là một trong 3 đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, Tổng cục đã trình Bộ trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy định quyền lợi của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động đào tạo nhằm thu hút nguồn lực đầu tư vào GDNN. Giai đoạn 2016 - 2020 đã thúc đẩy, ký kết các chương trình hợp tác với VCCI, các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp, tổng công ty lớn (Samsung, Denso, Vingroup, Trung Nguyên, FLC, Vietjet, Sun Group, BIM, BPO Mắt Bão...) làm cơ sở cho các cơ sở GDNN thúc đẩy tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp. 
  Đại diện Văn phòng Chính phủ phát biểu ý kiến tại hội nghị
“Đặc biệt, Dự thảo văn kiện Đại hội 13 của Đảng cũng đã ghi nhận kết quả đạt được của GDNN.  Lần đầu tiên trong dự thảo văn kiện có dành sự quan tâm, định hướng rõ nét để phát triển GDNN trong thời gian tới” - Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng, thông tin.
Năm 2021, Tổng cục GDNN đặt ra mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động. Qua đó, phấn đấu tuyển sinh 2,5 triệu người; trong đó, cao đẳng 260 nghìn người, trung cấp, 340 nghìn người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác 1.900 nghìn người.

Lãnh đạo Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) tham luận tại hội nghị
Tại hội nghị, ý kiến tham luận của đại diện các Bộ, ban, ngành cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề của GDNN trong thời gian tới. Trong đó, TS Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nghị quyết 29, Nghị quyết 19 của Trung ương đã đặt ra yêu cầu sắp xếp lại hệ thống các cơ quan hành chính sự nghiệp, trong đó có GDNN. Việc sắp xếp cơ cấu lại hệ thống GDNN theo đó là một nội dung quan trọng và cần ưu tiên triển khai.

Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động -TBXH) Vũ Trọng Bình phát biểu về sự phối hợp giữa các đơn vị 
Cũng theo TS Nguyễn Đắc Hưng, trong bối cảnh thực hiện chủ trương gắn kết GDNN gắn chặt với nhu cầu doanh nghiệp thì vấn đề đặt ra là nhu cầu xã hội với ngành nghề rất nhanh, nhiều ngành nghề chưa có đào tạo. Nhiều trường phát triển năng động đã phải xây dựng chương trình đào tạo riêng. GDNN phải xem lại chuẩn kỹ năng nghề. Không thể giữ tư duy cũ, cung cấp cái chúng ta có chứ không phải những cái doanh nghiệp cần.
  Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương báo cáo kết quả công tác năm 2020
Ông Phạm Văn Sơn (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, GDNN cần phải tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo; đồng thời thực hiện bắt tay, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo GDNN…
Tạo khí thế trong phát triển GDNN
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, nhấn mạnh: Năm 2020, kinh tế của đất nước tăng trưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn, song GDNN đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành cũng như các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo khí thế để phát triển. Chính vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược vẫn còn nguyên giá trị.
  21 cá nhân của Tổng cục GDNN được Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH tặng Kỷ niệm chương 
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng cho biết: Công tác GDNN luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người học và toàn xã hội quan tâm; đặc biệt là Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ và toàn ngành Lao động - TBXH đã dành nhiều tâm huyết lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. 
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị Tổng cục GDNN triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể đó là:
Thứ nhất, tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực cho GDNN phát triển. Xây dựng, trình Ban Bí thư Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về huy động nguồn lực xã hội đổi mới, phát triển GDNN trong tình hình mới, trong đó tập trung tham mưu chỉ đạo về đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề theo hướng chất lượng cao.
  Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng trao tặng Kỷ niệm chương cho Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng
Thứ hai, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động theo quy định của Luật GDNN, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 617-NQ/BCSĐ ngày 28/12/2018 của Ban cán sự đảng Bộ về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030.
Thứ ba, về tuyển sinh, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo; tăng cường đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động. Tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030. Hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng mở, thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào GDNN; phấn đấu đến năm 2025, số cơ sở GDNN ngoài công lập chiếm 40%. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong GDNN... Thực hiện đào tạo đặt hàng theo đầu ra; tăng cường kiểm định, hậu kiểm theo hướng trả chi phí theo đầu ra; sớm chấm dứt việc đăng ký, giao chỉ tiêu hoạt động GDNN. Chú ý kết nối cung cầu lao động, hạn chế tối đa tình trạng đào tạo không gắn với cung cầu của thị trường lao động.
Đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục GDNN tham luận tại hội nghị
Thứ tư, Tổng cục GDNN cần chú ý việc đào tạo nghề lao động nông thôn. Phối hợp với ngành dệt may, giày da thực hiện thí điểm đào tạo và đào tạo lại từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp giao cho các cơ sở GDNN tổ chức đào tạo. Phối hợp với các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu sớm ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở GDNN…
Phát biểu tổng kết hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Lao động - TBXH, sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành liên quan đối với GDNN. Đồng thời, khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến, bổ sung vào phương án triển khai thực hiện nhiệm vụ GDNN trong năm 2021.

Chí Tâm
(Theo http://gdnn.gov.vn/)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
--> <

Tư vấn 24/70962108879
zalo-icon