"Vui khỏe mỗi ngày” mang kiến thức chăm sóc sức khỏe bổ ích đến cho sinh viên

Thứ năm - 26/09/2024 13:45
Chủ đề Phòng tránh các bệnh lý về cơ xương khớp và dạ dày ở học đường – mang đến kiến thức y khoa, giúp sinh viên phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Ngày 25/9, Tạp chí Khoa học phổ thông và Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức phối hợp tổ chức Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày”, cùng tham dự hơn 300 giảng viên, cán bộ viên chức, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Cả hội trường gần như gần lắp đầy chỗ ngồi, các em tham dự chương trình đều là sinh viên (SV) năm nhất và hai các ngành của trường. Đến với chương trình, đa phần các em đều mong muốn có kiến thức để biết cách phòng bệnh.

sv-den-tham-gia-chuong-trinh-rat-som.png
SV Cao Kỳ Duyên (trái) và Nguyễn Quỳnh Như đến tham gia chương trình rất sớm

SV Cao Kỳ Duyên và Nguyễn Quỳnh Như năm nhất cho biết, các em tham gia chương trình vì thấy chủ đề hay. Được các bác sĩ trực tiếp tư vấn, thích hơn là đọc thông tin trên mạng. Khi cần hỏi, bác sĩ sẽ trả lời các vấn đang còn lo lắng.

SV Dương Thanh Thảo và Lê Nguyễn Hồng Ngọc năm nhất, ngành tiếng Hàn cho rằng, thông tin về sức khỏe có rất nhiều trên mạng nhưng để tìm nguồn tin cậy cũng khó. Khi có thắc mắc không biết hỏi ai. Vì vậy, tụi em thích chương trình thực tế thế này, sẽ có tương tác, nắm thông tin phòng bệnh tốt hơn.

ThS. Võ Long Triều - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức chia sẻ: "Qua 2 chương trình được tổ chức tại Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” đã mang đến nhiều kiến thức chăm sóc sức khỏe bổ ích cho viên chức, người lao động và học sinh sinh viên. Mỗi chương trình là một chủ đề vô cùng thiết thực và thú vị. Với chủ đề: “Nhận biết và xử trí bệnh lý Thoái hóa cột sống cổ & Đột quỵ” diễn ra vào tháng 5/2024, viên chức, người lao động và HSSV TDC được hiểu rõ hơn về những bệnh lý phổ biến rất thường gặp trong đời sống và quá trình làm việc, sinh hoạt hàng ngày.

Với chủ đề: “Phòng tránh các bệnh lý về cơ xương khớp và dạ dày ở học đường” diễn ra vào 25/9/2024 là những kiến thức về dạ dày và xương khớp mà chúng ta rất dễ bỏ qua. Nhờ có chương trình, viên chức, người lao động có cơ hội được tiếp cận với các kiến thức chăm sóc sức khỏe từ các bác sĩ, chuyên gia. Để từ đó, lắng nghe cơ thể nhiều hơn, hiểu đúng những vấn đề bệnh lý của cơ thể để có những điều chỉnh phù hợp hoặc ngăn ngừa trước những biến chứng của bệnh.

Đối với tân sinh viên 2024, việc trang bị những kiến thức về sức khỏe vào thời điểm này là vô cùng phù hợp và cần thiết. Đặc biệt, các bạn hầu hết đều là những sinh viên lần đầu xa nhà, xa gia đình, nên việc chủ quan trong vấn đề chăm sóc sức khỏe rất dễ xảy ra và ảnh hưởng lâu dài. Qua tương tác tại chương trình với phần hỏi – đáp cùng các chuyên gia, cũng nhận thấy rằng rất nhiều tân sinh viên quan tâm đến các bệnh lý về cơ xương khớp và dạ dày. Chương trình như một chiếc cầu nối để tân sinh viên TDC được giao lưu cùng các bác sĩ, được tiếp cận với các kiến thức y khoa bổ ích sẵn sàng cho năm học mới".

Ths. Nhà báo Bùi Hương, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí khoa học phổ chia sẻ, Vui khỏe mỗi ngày, với chủ đề hôm nay, Ban tổ chức mong muốn, mang kiến thức y khoa, truyền đạt một cách dễ hiểu nhất, giúp các em SV nắm bắt thông tin để phòng ngừa được bệnh. Người ta thường nói “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, các em có sức khỏe tốt, giúp việc học cũng tốt hơn.

Đau dạ dày nỗi ám ảnh

bs-phuong(1).jpg
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng đang tư vấn bệnh đau dạ dày tại chương trình

Đối với bệnh đau dạ dày, đây là tình trạng bệnh lý thường gặp, trở thành nỗi ám ảnh chung của nhiều người, trong đó có cả những người trẻ như học sinh sinh viên.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện nhân dân 115 chia sẻ, có nhiều nguyên nhân gây bệnh dạ dày, có thể kể đến như: lạm dụng thuốc lá, bia rượu; chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu điều độ, căng thẳng tâm lý (stress)...

Bệnh dạ dày càng ngày càng trẻ hóa, xuất hiện ở lứa tuổi học đường do áp lực học hành, thường xuyên thức khuya để ôn thi, học thêm nhiều ca một ngày, lịch sinh hoạt bị đảo lộn, lo lắng, căng thẳng, ăn kém, ngủ ít.

Khoảng 80% dân số hiện nay có nguy cơ mắc bệnh dạ dày và nhiễm khuẩn HP (Helicobacter Pylori), vi khuẩn được giới chuyên môn đánh giá là một trong những tác nhân chính gây ung thư dạ dày nếu không phát hiện điều trị sớm.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng giải thích, não ảnh hưởng tới ruột và não ảnh hưởng tới dạ dày thông qua trục ruột - não. Kết quả từ các nghiên cứu trên động vật cho thấy trạng thái căng thẳng có thể gây ức chế truyền tín hiệu từ não đến dây thần kinh phế vị và gây ra nhiều vấn đề tiêu hóa.

Do đó để các cơ quan trong cơ thể nói chung và cơ quan não bộ, tiêu hóa nói riêng khỏe mạnh, nên duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với việc hoạt động thể chất thường xuyên, giảm stress, lo lắng… là cách tốt nhất phòng bệnh dạ dày.





 

cac-sv-tap-trung-lang-nghe.jpg
Sinh viên tập trung lắng nghe tư vấn của bác sĩ


















Cần tránh các tư thế sai trong sinh hoạt để phòng tránh bệnh xướng khớp

Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), cứ 5 người thì có 4 người đau cột sống một lần trong đời; cứ 6 ngày nghỉ việc vì lý do sức khỏe, trong đó có 1 ngày nghỉ vì đau cột sống. Bên cạnh đó, bệnh thoát vị đĩa đệm đang có xu hướng trẻ hóa trên toàn thế giới, có chiều hướng tăng mạnh trong khoảng thời gian 10 năm gần đây, chiếm 3 đến 5% dân số.

bs.-tien.jpg
TS. BS Lê Minh Tiến, Bệnh viện Sài Gòn Ito Phú Nhuận tại chương trình

TS. BS Lê Minh Tiến, Bệnh viện Sài Gòn Ito Phú Nhuận cho biết, bệnh lý về cơ xương khớp có xu hướng tăng và ngày càng trẻ hóa. Trong các bệnh lý về cơ xương khớp, thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm là bệnh lý xương khớp mạn tính phổ biến.

Đặc biệt, trong môi trường học đường, bệnh lý về cơ xương khớp thường xảy ra, do hoạt động sai tư thế, ngồi quá lâu, ngồi nhiều, thường xuyên cúi hay ngửa cổ, ôm máy tính thường xuyên, gối ngủ quá cao, khuân vác vật nặng, làm việc quá sức… Bên cạnh đó, các chấn thương khi hoạt động thể thao, thường gặp nhất là chấn thương khớp gối, chấn thương vai, gãy xương, bong gây…

Việc tự trang bị kiến thức đủ và đúng về bệnh lý xương khớp có thể giúp mọi người chủ động hơn trong việc phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.

Để phòng ngừa bệnh, TS.BS Lê Minh Tiến nhấn mạnh: “Cần tránh hoàn toàn những tư thế sai trong sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng xấu đến cột sống, như: cúi khom, nằm võng, ghế bố, ngồi xổm, bưng vác vật nặng sai tư thế, nằm ngủ gối quá cao. Ngồi đúng tư thế, thường xuyên thay đổi tư thế (mỗi 1 – 2 giờ), không ngồi quá lâu. Tránh tăng cân và có chế độ ăn uống tăng cường ăn rau, thức ăn có nhiều vitamin C, omega 3 , can-xi,... là cách tốt nhất phòng bệnh, giảm thiểu nguy cơ bệnh xảy ra. Lưu ý khi chơi thể thao, phải khởi động đúng cách để làm ấm cơ để ngăn ngừa chấn thương”.

Sinh viên đặt nhiều câu hỏi với chuyên gia y tế

Sau phần tư vấn, SV đặt rất nhiều câu hỏi với các chuyên gia y tế và được các bác sĩ trả lời rất tận tình. Chẳng hạn:

sv-dat-cau-hoi-voi-chuyen-gia-y-te-1.jpg
Sinh viên đặt câu hỏi với chuyên gia y tế

Viêm dạ dày có lây không?

Khả năng lây lan của đau dạ dày còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trong đó, nguyên nhân gây đau dạ dày do nhiễm Helicobacter Pylori mới lây nhiễm. Còn lại các lý do như chế độ sinh hoạt, ăn uống, sử dụng rượu bia, thuốc lá, thuốc... không có khả năng lây nhiễm.

Ung thư dạ dày có điều trị được không?

Với sự tiến bộ y học hiện nay, việc phát hiền sớm điều tri khỏi tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên nên phòng bệnh và khi có dấu hiệu như khó tiêu, thường xuyên ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, đau bụng âm ỉ và dần trở nên dữ dội theo cấp độ nặng hơn… nên đến bác sĩ.

Thường xuyên lắc cổ, có bị gì không?

Cảm giác mỗi lần lắc cổ mạnh, thường có cảm giác thoải mái. Tuy nhiên, việc cố bẻ cổ kêu lắc rắc thường xuyên cũng có thể làm giãn dây chằng ở cổ. Điều này sẽ khiến cho hoạt động ở cổ bị yếu và bị đau nếu không được điều trị đúng cách. Nguy hiểm hơn việc duy trì thói quen bẻ cổ, lắc cổ trong thời gian dài có thể khiến cho cột sống cổ bị tổn thương.

Đau cổ tay do chơi thể thao, làm sao điều trị?

Đau cổ tay, do bắt bóng đỡ bóng làm chấn thương cổ tay, để tránh tình trạng này, trước khi chơi bất cứ môn thể thao nào, cần khởi động. Có thể chườm lạnh, dùng băng quấn chặt vùng cổ tay, nếu 2-3 tuần mà không thuyên giảm nên đến bác sĩ.

Chương trình "Vui khỏe mỗi ngày" do Tạp chí Khoa học phổ thông khởi xướng. Đến nay đã thực hiện hơn 22 số, với mong muốn mang kiến thức y khoa đến với người dân khắp các quận huyện của TP.HCM, giúp người dân phòng tránh nhiều bệnh lý, đồng thời có kiến thức trong điều trị bệnh đạt hiệu quả.

Để có hành trình dài và sự thành công hôm nay, Ban tổ chức chân thành cảm ơn sự đồng hành Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO, Bệnh viện Nhân dân 115...

 

(Theo Tạp chí Khoa học phổ thông)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
--> <

Tư vấn 24/70962108879
zalo-icon