Trường đại học với việc xây dựng và triển khai mô hình “công dân học tập”

Thứ bảy - 25/07/2020 11:24
Ngày 24/7, Hội khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), trường Đại học VinUni tổ chức Hội thảo khoa học “Trường đại học với việc xây dựng và triển khai mô hình Công dân học tập tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ.

Cách mạng 4.0 tạo áp lực đổi mới cho giáo dục đại học

Phát biểu mở đầu hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu thực trạng lao động nước ta hiện nay đang bị đánh giá yếu về chất lượng, thiếu năng lực làm việc và tác phong lao động công nghiệp.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu mở đầu hội thảo

“Việt Nam thiếu nhân lực chất lượng cao. Trong 1,4 triệu người lao động có kỹ năng cao thì 1/4 không có bằng cấp hoặc chỉ có bằng sơ cấp, trung cấp”, GS.TS Nguyễn Thị Doan nhắc lại đánh giá trong báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2018, đồng thời cho rằng, cơ cấu đào tạo của Việt Nam còn bất hợp lý khi những ngành cơ bản tạo năng lực sản xuất dài hạn, đưa năng suất lao động nhanh, bền vững, như khoa học, kỹ thuật, công nghệ, Toán (STEM), có tỷ lệ sinh viên theo học còn “khiêm tốn”.

Theo GS Nguyễn Thị Doan, nếu không kịp thời nắm bắt và có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực theo các tiêu chí cụ thể của “Công dân học tập”, tức những con người với năng lực và phẩm chất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nền kinh tế số, thì Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn về mọi mặt.

Từ đó, GS Nguyễn Thị Doan cho rằng, cần nhìn nhận đúng thời cơ và thách thức đối với hệ thống đào tạo của Việt Nam hiện nay, trước tiên là với hệ thống đại học và đào tạo nghề để kết quả đào tạo không đi sau sự phát triển của thực tiễn. Đây là công việc có liên quan đến cả quản lý vĩ mô và vi mô. Các trường đại học và đào tạo nghề cần tự đổi mới từ nội dung, phương pháp giáo dục để tạo ra những sản phẩm tốt, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

Các ý kiến trong hội thảo cũng đồng tình rằng cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những thay đổi đáng kể đối với các kỹ năng cần thiết cho công việc cũng như cách thức làm việc. Những công việc truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi sự ra đời của máy móc, thiết bị, phần mềm hiện đại, hoặc đòi hỏi nguồn nhân lực có khả năng phát triển và vận hành các công nghệ mới trên.

Lực lượng lao động mới sẽ phải thích ứng với những công việc thậm chí chưa tồn tại, và phần lớn trong đó yêu cầu kỹ năng công nghệ và kỹ năng xã hội cao hơn. Sự thay đổi về nhu cầu nguồn nhân lực cũng như phương pháp tư duy, cách thức làm việc, đặt ra yêu cầu đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo của giáo dục đại học.

“Trong bối cảnh kiến thức về công nghệ thay đổi rất nhanh, việc trang bị cách thức tự học và ý thức học tập suốt đời càng quan trọng hơn kiến thức của chương trình đào tạo. Mô hình giáo dục đại học theo hướng truyền thống, nặng về trang bị kiến thức sẽ phải thay thế bằng chương trình mới giúp thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo và tư duy tự học”, Ts Bùi Tín Nghị - Giám đốc Học viện Ngân hàng nêu trong báo cáo tham luận.

GS.TS Rohit Verma - Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni cũng chia sẻ về sự tác động của cách mạng 4.0 đối với giáo dục và cuộc sống. Đồng thời, cho rằng, “trường đại học phải là nơi thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, nuôi dạy những người có tư duy học tập suốt đời”.

Trường đại học phải gắn kết với hệ thống GDTX

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, truyền thống yêu nước, hiếu học của người dân Việt Nam tài sản vô cùng quý giá. Muốn thích ứng được với cuộc cách mạng này, Việt Nam cần có đội ngũ tri thức, các nhà khoa học, chuyên gia và quan trọng hơn là cần có những người dân nắm bắt tri thức công nghệ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo

“Trước đây, Bác Hồ đã phát động phong trào xóa mù chữ sau Cách mạng tháng 8, bây giờ chúng ta xóa mù tri thức công nghệ. Chỉ có cách đấy, dân tộc ta mới nắm bắt được thời cơ của cách mạng 4.0, thậm chí là các cuộc cách mạng khoa học tiên tiến khác”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, những năm qua Việt Nam đã có bước đi bài bản, rất nỗ lực để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29. Năm 2020, đánh dấu bước đầu tiên là chúng ta áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Một trong những điều rất quan trọng của sự thay đổi này là tạo được bước đổi mới trong cách dạy và học những năm qua, chuyển từ giáo dục một chiều sang tương tác nhiều hơn, phát huy được năng lực, sáng tạo của người học.

Giáo dục đại học cũng có nhiều thay đổi rõ rệt so với 5-6 năm trước, đặc biệt là sự thay đổi “có tính lịch sử trong giáo dục đại học” là tự chủ. 6 năm trước khi thí điểm tự chủ đại học chỉ có 4 trường, sau đó làm quyết liệt và tăng lên thành 17 trường. Giờ đây, tự chủ trở thành xu thế tất yếu, giúp các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; khẳng định được uy tín và thương hiệu  không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn ở tầm quốc tế.

Bên cạnh bước tiến của giáo dục phổ thông, giáo dục đại học những năm qua, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mảng giáo dục thường xuyên (GDTX) chưa được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để có sự đổi mới mạnh mẽ.

“Nói đến GDTX nhiều người vẫn coi là đẳng cấp thấp. Hình ảnh này phải thay đổi. Để làm được điều này, không chỉ GDTX mà cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học cũng phải tiếp tục đổi mới để hình thành thói quen và khát khao được học suốt đời, tự học; phải mang được tư tưởng “sự học là không cùng” vào cho các cháu ngay từ nhỏ”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hệ thống GDTX không chỉ là nơi bổ túc văn hóa, xóa mù chữ mà cần phải là nơi đáp ứng được nhu cầu học tập cho những người đã tốt nghiệp đại học. Giáo dục đại học khi đó phải có sự gắn kết với GDTX và đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo.

Phó Thủ tướng đề nghị sau hội thảo, Bộ GDĐT, Hội Khuyến học, Hiệp hội các trường ĐH- CĐ thí điểm mô hình gắn kết trường đại học chất lượng với hệ thống GDTX để cung cấp các chương trình đào tạo có chất lượng cao.

“Chúng ta phải quyết liệt thực hiện vấn đề này như trước đây làm với tự chủ đại học. Có như vậy mới xây dựng được xã hội học tập, công dân học tập, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh việc xây dựng xã hội học tập, công dân học tập là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị chứ không riêng ngành Giáo dục.

Sẽ xây dựng đề án thí điểm mô hình công dân học tập trong trường đại học

Đánh giá những trao đổi, thảo luận tại hội thảo là thực chất, đa dạng, nhiều chiều, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, công dân học tập là hạt nhân để xây dựng gia đình học tập; đơn vị học tập, dòng họ học tập và rộng ra là xã hội học tập.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo

Theo Bộ trưởng, bên cạnh việc đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội, thì việc đào tạo ra các công dân học tập có mục đích lớn hơn là để phát triển và nâng cao chất lượng sống của từng người dân. “Suy cho cùng, học để nâng cao chất lượng cuộc sống, để mọi người đối xử với nhau hài hòa, nhân văn  hơn”, Bộ trưởng nói.

Đối với xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời, Bộ trưởng cho rằng, không chỉ là việc của giáo dục đại học mà của toàn hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, từ nền tảng giáo dục phổ thông, học sinh phải được trang bị phương pháp tự học, tạo động lực để biến việc học tập thành nhu cầu suốt đời. Người giáo viên cũng tương tự, cần đổi mới để trở thành những công dân học tập.

“Trong thời tới, Bộ GDĐT sẽ tăng cường chỉ đạo, cùng với địa phương, hội khuyến học các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, tăng cường chỉ đạo và thực hiện đẩy mạnh GDTX”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Có 4 nhóm việc lớn Bộ GDĐT sẽ chỉ đạo thực hiện để đẩy mạnh GDTX. Đầu tiên và lâu dài là tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của GDTX, từ đó thay đổi hình ảnh của hệ thống giáo dục này. Bộ GDĐT sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện các văn bản để tạo hành lang pháp lý tốt thúc đẩy sự phát triển của giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời; để GDTX liên thống với GD phổ thông thành một hệ thống thống nhất, linh hoạt; đồng thời cơ chế kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng GDTX.

Bộ GDĐT sẽ chọn một số trường đại học kết hợp với địa phương để xây dựng mô hình thí điểm công dân học tập, gắn kết trường đại học với hệ thống GDTX. Theo đó, trường đại học sẽ tiên phong trong việc tạo ra các công dân học tập từ chính đội ngũ giảng viên, sinh viên của trường. Trường đại học gắn kết với hệ thống GDTX để các trung tâm GDTX trở thành vệ tinh, mô hình nối dài của trường đại học nhưng phải đảm các tiêu chí kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn đầu ra.

Sau quá trình thí điểm, Bộ GDĐT sẽ tổng kết rút kinh nghiệm để từ đó xin ý kiến nhân rộng mô hình công dân học tập, gắn kết trường đại học với hệ thống GDTX.

Để đẩy mạnh GDTX và mô hình công dân học tập trong cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các nhà trường thành lập chi hội khuyến học để có mạng lưới gắn kết với Hội khuyến học Việt Nam. Bộ GDĐT sẽ kiểm tra việc thực hiện của các trường. Song song với đó, Bộ khuyến khích trường đại học đầu tư hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến, xây dựng tài nguyên giáo dục mở. Tất cả những việc này cần gắn với việc đảm bảo chất lượng.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

(Theo https://moet.gov.vn/)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
--> <

Tư vấn 24/70962108879
zalo-icon