Trường nghề mở rộng hợp tác quốc tế

Thứ tư - 04/05/2022 13:33
Tăng cường hợp tác quốc tế là hướng đi mà nhiều trường cao đẳng, trung cấp tại thành phố Hồ Chí Minh đã và đang lựa chọn để nâng cao chất lượng đầu ra, tạo thêm cơ hội cạnh tranh cho người học. Từ đây, nhiều “quả ngọt” đã thành hình…

Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức tham gia chương trình đào tạo hợp tác với Cộng hòa Liên bang Đức

Vài năm trở lại đây, hợp tác quốc tế là chiến lược được Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức tập trung đẩy mạnh với hàng loạt học bổng, chương trình, khóa học sát với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Bên cạnh đối tác quen thuộc là Nhật Bản và Hàn Quốc, nhà trường không ngừng kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác đào tạo với nhiều tổ chức uy tín đến từ Cộng hòa Liên bang Đức, Australia, Viện Hợp tác và Phát triển châu Âu…

Cách đây không lâu, trong khuôn khổ Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai đào tạo thí điểm 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức; Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức được lựa chọn tham gia đào tạo thí điểm nghề điện công nghiệp. Qua đó, không chỉ giảng viên Khoa Điện-Điện tử được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm ngắn hạn tại Đức mà nhà trường còn được tiếp nhận bộ chương trình đào tạo nghề điện công nghiệp do Tập đoàn đào tạo AVESTOS chuyển giao với sự tư vấn, đánh giá từ các chuyên gia nước ngoài.

Từ năm 2018 đến nay, Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức đã tổ chức đào tạo ngành logistics cho hơn 600 sinh viên thông qua chương trình “Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực”. Nhà trường đã tận dụng tốt sự hỗ trợ từ đối tác để xây dựng chương trình đào tạo thống nhất với bộ chuẩn nghề theo phương pháp tiếp cận năng lực, giúp người học có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết cho quá trình hội nhập thị trường lao động quốc tế.

Sau khoảng 4 năm gắn kết, chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin mà nhà trường cùng Tập đoàn Freesia và Trường cao đẳng Công nghệ công nghiệp Tokyo hợp tác thực hiện đã cho thấy nhiều tín hiệu khả quan. Phía nhà trường Nhật Bản hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo, chuyển giao phương pháp, tài liệu giảng dạy, đánh giá giáo trình, bồi dưỡng giảng viên… Tập đoàn Freesia góp sức chuyển giao chương trình, hỗ trợ chi phí học tập (5.000 yên/tháng/sinh viên), hỗ trợ học tiếng Nhật miễn phí (600 giờ) và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhật Bản đồng hành trong tuyển dụng, tạo cơ hội việc làm cho 100% sinh viên hoàn thành chương trình học.

Theo Thạc sĩ Võ Long Triều, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, việc đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế đã và đang tạo nhiều chuyển biến tích cực khi chất lượng đầu ra của các ngành học được nâng cao, cơ sở vật chất ngày càng phát triển.

Là trường nghề đầu tiên được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp phép đào tạo liên kết cấp bằng nước ngoài, vài năm trở lại đây, Trường cao đẳng Lý Tự Trọng thành phố Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng nhiều chương trình đào tạo chuẩn quốc tế để nâng cấp chuẩn đầu ra. Trong đó, phải kể đến những hiệu quả thiết thực từ cái “bắt tay” với Viện Tiểu thủ công nghiệp và kỹ năng nghề Leizig của Cộng hòa Liên bang Đức về đào tạo ngành công nghệ ô-tô.

Năm 2021, nhà trường đã liên kết với Trường cao đẳng City of Glasgow, Anh quốc để xây dựng 5 ngành đào tạo được thị trường quan tâm là: công nghệ kỹ thuật cơ khí; điện công nghiệp; quản trị mạng máy tính; lập trình máy tính và tiếng Anh. Chương trình đào tạo do cả hai trường liên kết xây dựng theo chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của hai nước giúp sinh viên Việt Nam không quá bỡ ngỡ, bảo đảm đủ các tiêu chí tham gia thị trường lao động quốc tế sau khi tốt nghiệp.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, xưởng thực hành hiện đại cũng như tăng cường trao đổi đội ngũ giảng viên, sinh viên với các đối tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học để ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy và vị thế của nhà trường. Chúng tôi sẽ khuyến khích việc học tập và nghiên cứu ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước; đồng thời tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế, tài trợ của các dự án, đề tài của nước ngoài thông qua các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế”, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Lý Tự Trọng thành phố Hồ Chí Minh, cho hay.

Thống kê từ Hội Giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hiện có 393 trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó có 57 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 24 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, 248 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và đẩy mạnh hợp tác đào tạo quốc tế là hướng đi được nhiều trường chọn lựa.

“Đất nước đang mở cửa, chúng ta mời gọi đầu tư quốc tế nên giáo dục nghề nghiệp cũng phải theo hướng tiếp cận này. Chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà phải hướng tới các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Muốn vậy, phải có chính sách phát triển lao động phù hợp với nhu cầu quốc tế, bằng không rất có thể lao động Việt Nam sẽ thua trên sân nhà, các vị trí tốt rơi vào tay lao động nước ngoài”, ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, lý giải…

Bài và ảnh: GIA MỸ
(Theo Nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
--> <

Tư vấn 24/70962108879
zalo-icon